Nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

07/11/2022 - 06:30

 - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 2048/QĐ-UBND thực hiện Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu nhằm bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện, có chất lượng các dịch vụ KHHGĐ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động chiến lược dân số của tỉnh đến năm 2030.

Kết quả đạt được

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm giảm sinh, An Giang đã khống chế gia tăng quy mô dân số. Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 3,8 con/phụ nữ thời điểm năm 1992 xuống 2,1 con/phụ nữ vào năm 2005, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) và duy trì cho đến nay. Từ đó, góp phần quan trọng giảm nghèo, cải thiện sức khỏe phụ nữ và trẻ em; ngăn ngừa tử vong có liên quan đến thai sản của bà mẹ và trẻ sơ sinh; tình trạng suy dinh dưỡng giảm nhanh; tuổi thọ trung bình tăng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai. Nhu cầu về dịch vụ KHHGĐ của người dân cơ bản được đáp ứng. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai đạt chỉ tiêu giao và duy trì nhiều năm.

Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ được củng cố và phát triển theo 3 kênh cung ứng: Dịch vụ kỹ thuật KHHGĐ qua các cơ sở y tế; phân phối dựa vào cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số và kênh thị trường. Mạng lưới y tế công lập đang là kênh chính để đảm bảo cung cấp biện pháp tránh thai lâm sàng cho người dân: Tuyến tỉnh có Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tân Châu, Bệnh viện Sản - Nhi; Khoa Sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Tuyến huyện có 11 trung tâm y tế, 4 phòng khám đa khoa khu vực. Tuyến xã có 156 trạm y tế thực hiện dịch vụ sản/phụ khoa.

Mạng lưới cộng tác viên dân số đi tư vấn và phân phối các phương tiện tránh thai phi lâm sàng

Toàn tỉnh có 3.721 cộng tác viên dân số thường xuyên cung cấp thông tin về KHHGĐ và cung ứng các phương tiện tránh thai phi lâm sàng (viên uống tránh thai và bao cao su) tại hộ gia đình ở 156 xã, phường, thị trấn, góp phần tăng tỷ lệ sử dụng bao cao su và viên uống tránh thai. Thị trường hàng hóa, phương tiện tránh thai và sức khỏe sinh sản đa dạng. Mạng lưới nhà thuốc, quầy thuốc cung cấp nhiều phương tiện tránh thai phi lâm sàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho người dân.

Xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ được đẩy mạnh, góp phần tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai. Sản phẩm tiếp thị xã hội ngày càng đa dạng, giá bán sản phẩm đã tiệm cận giá thị trường và tiến tới không còn trợ giá. Đến nay, tỷ lệ bao cao su và viên uống tránh thai do nhà nước cấp miễn phí giảm còn 30%, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước mỗi năm hàng tỷ đồng. Đặc biệt, tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai đã góp phần chuyển đổi hành vi của khách hàng thực hiện KHHGĐ, từ nhận miễn phí chuyển sang tự chi trả chi phí phương tiện tránh thai.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, như: Nhu cầu về dịch vụ KHHGĐ cao nhưng khả năng cung ứng còn hạn chế. Tỷ số phá thai ở An Giang khoảng 17,3%. Xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Hàng năm, có tới 25% cộng tác viên dân số thay đổi, cần phải tăng cường hỗ trợ trong thời gian tới.

Mục tiêu, giải pháp

Tỉnh hướng đến năm 2030 đạt các mục tiêu, như: 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 69% năm 2025, đạt 70% năm 2030 và giảm 2/3 số vị thành viên, thanh niên có thai ngoài ý muốn. 75% cơ sở cung cấp dịch vụ KHHGĐ đạt tiêu chuẩn. Trên 95% cấp xã tiếp tục triển khai cung ứng các biện pháp tránh thai phi lâm sàng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế khóm, ấp vào năm 2025, đạt 100% năm 2030. 75% trạm y tế thuộc vùng mức sinh cao đủ khả năng cung cấp các biện pháp tránh thai theo quy định vào năm 2025, đạt 95% năm 2030. Trên 95% cấp huyện có cơ sở y tế cung cấp dịch vụ KHHGĐ, thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới vào năm 2025, đạt 100% năm 2030. Trên 95% cấp xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện KHHGĐ, sử dụng biện pháp tránh thai, tuyên truyền về hệ lụy của phá thai, nhất là đối với vị thành niên, thanh niên.

Để thực hiện đạt mục tiêu, tỉnh đề ra 5 giải pháp chủ yếu, gồm: Hoàn thiện cơ chế chính sách về cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ tại địa phương; tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi; phát triển mạng lưới dịch vụ KHHGĐ; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực; tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học trong lĩnh vực KHHGĐ nhằm đánh giá thực trạng và kết quả thực hiện kế hoạch.

HẠNH CHÂU