Nghịch lý giá heo, gà

20/04/2020 - 08:12

Giữa năm 2019, đàn gia cầm tăng mạnh với kỳ vọng bổ sung cho nguồn thịt heo bị thiếu hụt bởi dịch tả heo châu Phi. Thế nhưng, việc tăng đàn quá nóng đã khiến giá các sản phẩm gia cầm xuống thấp trong thời gian dài.

Không dễ thay đổi thói quen

Gần đây, một số xe đẩy bán rau củ dạt tại TP HCM bán thêm trứng gà xô (bỏ túi ni-lông, không đóng hộp) với giá khoảng 15.000 - 16.000 đồng/chục. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM), cũng xuất hiện nhiều điểm bán trứng xô với giá từ 15.000 - 18.000 đồng/chục (tùy kích cỡ), trong khi trứng đóng hộp, có nhãn mác là 22.000 đồng/chục (loại vừa), 26.000 đồng/chục (loại lớn) nhưng khá vắng khách. Ông Nguyễn Ngọc Khoa, chủ một trại gà đẻ lớn tại huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), cho biết giá trứng tại trại bình quân chỉ 1.100 đồng/quả trong khi giá thành từ 1.300 - 1.400 đồng/quả. "Hiện nay, thời tiết nắng nóng nên trứng rất mau hư, mà trứng hư chỉ còn cách hủy bỏ" - ông Khoa nói.

Không chỉ trứng, thịt gia cầm cũng đang bán dưới giá thành. Theo ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, giá gà công nghiệp hiện khoảng 17.000 - 22.000 đồng/kg, gà tam hoàng 27.000 - 28.000 đồng/kg, gà màu Bình Định 40.000 - 45.000 đồng/kg. "Nếu người tiêu dùng sử dụng thịt gia cầm nhiều hơn, giảm thịt heo thì người nuôi gia cầm không phải lo thua lỗ, còn giá thịt heo sẽ tự giảm, không cần nhà nước kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá" - ông Quyết đặt vấn đề. Theo khảo sát của phóng viên, tuy giá gà lông giảm mạnh nhưng giá thịt bán lẻ vẫn đứng hoặc chỉ giảm nhẹ. Cụ thể, đùi gà công nghiệp 55.000 - 60.000 đồng/kg, cánh gà 70.000 - 75.000 đồng/kg; gà tam hoàng nguyên con 80.000 đồng/kg, gà ta nguyên con 120.000 đồng/kg.

Đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền (TP HCM) - chợ đầu mối bán sỉ nhiều loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản - nhìn nhận khi giá thịt heo cao, người tiêu dùng có tăng sử dụng các loại thịt thay thế. Mặc dù vậy, thịt heo vẫn là loại thịt chủ đạo, lượng tái đàn chưa cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường và quán xá đóng cửa khiến thịt đầu, lòng, xương heo không tiêu thụ được, giá rẻ nên tiểu thương phải tăng giá các mặt hàng bán được để bù đắp. Ghi nhận từ Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn, chợ sỉ thịt heo lớn nhất TP HCM, từ ngày 1-4 đến nay, lượng heo về chợ từ 150 - 270 tấn/ngày. Ông Lê Văn Tiển, phó giám đốc công ty, cho hay lượng hàng trên đáp ứng đủ nhu cầu của bạn hàng, rất hiếm khi chợ rơi vào tình huống cháy hàng.

Thịt heo chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu bữa ăn người Việt. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Kích thích tiêu thụ thịt và trứng gia cầm

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, từ cuối năm 2019 đến nay, trừ cao điểm Tết, giá sản phẩm gia cầm luôn ở mức thấp. Nguyên nhân là do nguồn cung gia cầm trong nước và nhập khẩu tăng quá nóng từ quý II/2019 với mức tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Mặt khác do dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, quán ăn, trường học... đóng cửa trong khi đây là kênh tiêu thụ chính của sản phẩm gia cầm đã khiến tổng cầu bị sụt giảm mạnh.

Về tình trạng giá thịt heo rất đắt đỏ, thịt gà rất rẻ nhưng tiêu thụ thịt gà vẫn không tăng, TS Sơn lý giải do thói quen ẩm thực, tỉ trọng sử dụng thịt heo để nấu ăn tại nhà của người Việt rất cao (trên 60%), tỉ lệ sử dụng thịt gia cầm và thịt bò còn thấp khiến việc tiêu thụ thịt, trứng gia cầm trong mùa dịch Covid-19 vẫn không tăng nhiều như kỳ vọng của các nhà quản lý. "Đối với trứng gia cầm cũng tương tự, nước ta tiêu thụ còn ít, năm 2019, mỗi người tiêu thụ bình quân 130 quả, chỉ bằng 60% so với mức tiêu thụ trung bình toàn châu Á, dù đây là một trong những nguồn dinh dưỡng chất lượng cao nhất, là nguồn thực phẩm hoàn thiện nhất, cân bằng dinh dưỡng tốt nhất và cũng dễ hấp thu nhất. Trong thời gian tới, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam sẽ phối hợp với các bên liên quan đẩy mạnh truyền thông để người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, tăng dùng trứng và thịt gia cầm, giảm thịt heo về mức hợp lý vì đây là xu hướng chung của thế giới" - TS Sơn nói.

Hiệp hội cũng sẽ xây dựng và đề xuất triển khai chương trình "Dinh dưỡng học đường", đưa trứng gà vào cơ cấu bữa ăn của học sinh mầm non và tiểu học. Mặt khác, để người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi tăng dùng sản phẩm gia cầm, Việt Nam cần đẩy mạnh khâu chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tiện dụng cho người tiêu dùng thay vì chủ yếu vẫn bán tươi như hiện nay. 

Khó phát triển sản phẩm chế biến

Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi hiện nay phát triển được sản phẩm trứng chế biến ăn liền như: trứng vịt kho, trứng gà tiềm, trứng cút phá lấu... với hạn sử dụng sản phẩm được 4 tháng. Theo ông Trương Chí Thiện, tổng giám đốc công ty, tỉ lệ người tiêu thụ trứng chế biến còn rất thấp so với trứng tươi.

Theo NGỌC ÁNH (Người lao động)