Nghiên cứu đưa phân hữu cơ công nghệ Bioway vào nông nghiệp An Giang

17/07/2023 - 18:20

 - Chiều 17/7, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Trương Kiến Thọ chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành tỉnh, nghe Công ty Cổ phần Bioway Group trình bày và thảo luận khả năng thực hiện các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ trên một số cây trồng chính tại An Giang.

Đại diện Công ty Cổ phần Bioway Group giới thiệu công nghệ Bioway trong xử lý phế phụ phẩm hữu cơ thành phân bón hữu cơ

TS Chau Thi Đa, Trường Đại học Tôn Đức Thắng trao đổi về ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ

Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Hoàng Minh trao đổi tại buổi làm việc

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Trương Kiến Thọ kết luận buổi làm việc

Buổi làm việc có sự tham gia của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco); Phòng NN&PTNT các huyện: Chợ Mới, Phú Tân, An Phú, Châu Phú và Tri Tôn.

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Cổ phần Bioway Group đã giới thiệu công nghệ Bioway trong xử lý phế phụ phẩm hữu cơ thành phân bón hữu cơ. Đó là công nghệ có tính ưu việt, như: Công nghệ ủ phân compost dạng kín, xử lý phế phụ phẩm hữu cơ thành phân bón hữu cơ; lên men siêu tốc, cao nhiệt chỉ trong 6 giờ; sử dụng công nghệ đến từ Mỹ…

Nhờ vậy, vi sinh chịu nhiệt cao (đến 180oC), khả năng chịu nhiệt lạnh (đến -36oC), nằm trong số ít những loại phân hữu cơ trên thế giới chứa cùng lúc 5 nhóm vi sinh vật có lợi đa chủng (vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật phân giải lân, vi sinh vật phân giải cellulose, vi sinh vật tăng quang hợp và vi sinh vật đối kháng), có khả năng phân giải hầu hết phế phụ phẩm hữu cơ. Lợi thế của thiết bị công nghệ AT – 6H là nhỏ gọn, vững chắc, vận hành dễ dàng, nên có thể áp dụng nhiều nơi.

Theo TS Chau Thi Đa, Khoa Khoa học ứng dụng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, hiện nay, lượng phế phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn An Giang rất lớn, điển hình như Công ty Antesco thải bình quân 60 tấn/ngày, các vùng nuôi cá nạo vét khoảng 30.000m3 bùn/ha vùng nuôi, lượng rơm rạ lớn từ các vùng trồng lúa…

Đây là nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Lợi thế của công nghệ Bioway là giúp rút ngắn thời gian xử lý phế phụ phẩm hữu cơ thành phân bón hữu cơ chỉ trong 6 giờ, thay vì phải mất từ 3-6 tháng so quy trình trước đây.

Bên cạnh ưu thế sản xuất nhanh, thời gian sống của vi sinh tốt, công nghệ Bioway còn cho phép hòa thêm xác cá, các thành phần hữu cơ khác, giúp tăng hàm lượng dinh dưỡng. TS Chau Thi Đa tin rằng, nếu có nghiên cứu thêm về công thức hoàn chỉnh, phân bón hữu cơ vi sinh ứng dụng công nghệ AT – 6H của Bioway hoàn toàn có thể thay thế 100% phân hóa học để tạo ra sản phẩm hữu cơ, nâng giá trị nông sản cho ngành nông nghiệp An Giang.

Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là chiến lược quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Việc tận dụng phụ phế phẩm nông, thủy sản vào sản xuất phân bón hữu cơ được tỉnh ủng hộ, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, biến phụ phế phẩm thành nguồn nguyên liệu có giá trị kinh tế.

Ngành nông nghiệp sẽ đề xuất UBND tỉnh An Giang giao Sở NN&PTNT phối hợp Công ty Antesco và Công ty Cổ phần Bioway Group triển khai thử nghiệm sản xuất phân hữu cơ vi sinh bằng công nghệ AT – 6H của Bioway trên địa bàn huyện Chợ Mới, trên cơ sở sử dụng vùng nguyên liệu phế phụ phẩm của Antesco. Đồng thời, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ An Giang đề xuất và triển khai đề tài nghiên cứu sử dụng phụ phế phẩm nông nghiệp, thủy sản trên nền công nghệ Bioway.

Về phía Sở NN&PTNT An Giang, sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện nội dung thử nghiệm, đề xuất đề tài cơ sở để thử nghiệm, đánh giá hiệu quả phân hữu cơ trên các loại cây trồng chiến lược của tỉnh. Bên cạnh đó, đề xuất sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới để triển khai các mô hình sử dụng phân hữu cơ Bioway, trước mắt phối hợp Công ty Antesco thử nghiệm trên các vùng nguyên liệu đậu nành rau, bắp thu trái non của công ty.

Để đưa sản phẩm vào sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, các đại biểu đề nghị Công ty Cổ phần Bioway Group cần nghiên đưa sản phẩm ra thị trường với giá thành tốt nhất, được nông dân, doanh nghiệp chấp nhận. Trong đó, tiến tới sử dụng nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm tại chỗ, đặt hệ thống sản xuất tại chỗ để giảm tối đa giá thành sản xuất phân bón hữu cơ công nghệ Bioway.

NGÔ CHUẨN