Một lượng nước vừa đủ từ thức ăn sẽ giúp ruột hoạt động hiệu quả. Vì vậy, nước đóng vai trò như một chất bôi trơn tự nhiên cho ruột, giúp chất xơ đẩy chất thải ra ngoài cơ thể. Uống một chút nước trong bữa ăn sẽ giúp bạn nuốt, hỗ trợ hệ tiêu hóa và làm cho bạn cảm thấy no nhanh hơn, vì vậy sẽ ăn ít hơn. Uống một ly nước ngay trước bữa ăn có thể kiềm chế cơn thèm ăn. Tuy nhiên, uống nước trong bữa ăn cũng gây ra nhiều tác động xấu tới sức khỏe của con người.
Uống nước trong khi ăn làm quá trình tiêu hóa hoạt động không đúng cách
Gây khô miệng
Nghiên cứu về dinh dưỡng cho thấy nếu duy trì uống 1 cốc nước trong khi đang ăn sẽ làm lượng nước bọt tiết ra trong khoang miệng giảm đáng kể, gây trở ngại trong việc nhai và tiêu hóa thức ăn. Nếu thiếu đi nước bọt, quá trình nghiền nhuyễn và tiêu hóa thức ăn sẽ gặp phải những vấn đề nhất định, gây triệu chứng khó chịu như khô miệng, khó nuốt, chán ăn, hôi miệng, trào ngược axit trong lúc ăn, hỏng men răng...
Không có lợi cho hệ tiêu hóa
Khi bạn uống nước trong khi đang ăn, lượng nước bọt trong miệng bị loãng ra và gần như mất tác dụng ban đầu, khiến hệ tiêu hóa và dạ dày làm việc mệt mỏi hơn bởi lượng thức ăn chưa được xử lý tốt khi ở trong khoang miệng. Điều này nếu duy trì thời gian dài dễ dẫn đến các bệnh lý về tiêu hóa, làm dạ dày bị yếu đi, dễ gặp những triệu chứng khó chịu như đầy bụng khó tiêu, chướng bụng, đau bụng, ợ nóng, ợ hơi,... Uống nước trong bữa ăn sẽ làm tăng thêm khối lượng cho dạ dày và làm tăng áp lực lên dạ dày, giống như một bữa ăn lớn vậy. Điều này có thể gây hại thêm một số tình trạng sức khỏe và làm tăng nguy cơ trào ngược axit.
Giảm hấp thụ dinh dưỡng
Việc bổ sung nước cho cơ thể quá nhiều lúc đang ăn sẽ làm dịch tiêu hóa bị loãng ra, tác động tiêu cực đến nồng độ axit trong dạ dày. Từ đó, những chất dinh dưỡng không còn được hấp thụ một cách tốt nhất nữa, những loại vitamin và chất khoáng được hấp thu giảm mạnh. Ngoài ra, việc uống nước trong khi ăn cũng có thể khiến bạn tăng cân. Khi cơ thể bkhông thể tiêu hóa thức ăn đủ, nó sẽ chuyển hóa thành chất béo, khiến bạn tăng cân hơn. Uống nước trong bữa ăn cũng có thể khiến cơ thể tiết ra nhiều insulin hơn vào máu, làm tăng khả năng tích trữ chất béo trong cơ thể.
Những người không nên vừa ăn vừa uống
Người bị trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản bị thiểu năng cơ vòng thực quản dưới, uống nhiều nước trong khi ăn dễ làm tăng áp lực trong dạ dày, các chất trong dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản, làm nặng thêm triệu chứng trào ngược axit, ợ chua.
Người già. Chức năng tiêu hóa của người già yếu, nhu động dạ dày bị suy giảm, khi ăn mà uống quá nhiều nước dễ gây khó chịu dạ dày, không có lợi cho tiêu hóa.
Trẻ nhỏ. Khoang dạ dày của trẻ rất nhỏ, nếu uống nước cùng lúc có thể dẫn đến lượng thức ăn không đủ, gây suy dinh dưỡng. Vì vậy, khi ăn không nên cho trẻ uống quá 300ml nước và canh.
Người mắc bệnh răng miệng. Những người mắc bệnh răng miệng không thể nhai kỹ thức ăn do các vấn đề như đau khi nhai, mất răng. Nếu uống nhiều nước trong khi ăn, thức ăn sẽ không được nhai kỹ, sau khi nuốt sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, tăng nguy cơ viêm dạ dày mạn tính.
Uống nước đúng cách khi ăn cơm
Theo lời khuyên của chuyên gia, bạn nên uống nước trước và sau ăn khi ăn khoảng 30 phút. Điều này cho phép các axit clohydric có đủ thời gian để tiêu hóa thức ăn một cách hợp lý và ngăn chặn sự hình thành của khí, axit và đầy hơi. Ngoài ra, bạn có thể uống vài ngụm nước trong khi ăn, tốt nhất là nước ấm để giúp nuốt thức ăn dễ dàng hơn.
Theo An ninh thủ đô