Những chia sẻ đáng quý về phòng, chống bạo lực gia đình

18/06/2019 - 08:10

 - Bạo lực gia đình đang là vấn nạn phổ biến ở Việt Nam và nhiều quốc gia. Vì tính chất riêng tư, tế nhị nên nhiều vụ bạo lực gia đình ít được tố giác, từ đó gây nên những ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và tính mạng của các nạn nhân. Do vậy, việc nâng cao ý thức người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái chủ động ứng phó với bạo lực gia đình đang được các ngành chức năng quan tâm.

Việc ký kết công tác phối hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh… là việc làm ý nghĩa trong việc nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội trong việc quan tâm, giúp đỡ các nạn nhân bị bạo hành gia đình, xâm hại tình dục. Đó là điểm tựa thiết thực để phụ nữ và trẻ em gái từng bước thoát khỏi tình cảnh bị xâm hại, được sống an toàn hơn trong chính gia đình và cộng đồng. Trong rất nhiều giải pháp được đề ra đều nhấn mạnh đến việc nâng cao giáo dục, nhận thức của phụ nữ và trẻ em gái về những dấu hiệu của bạo lực gia đình, cách ứng xử để tránh bạo lực leo thang, tự bảo vệ an toàn bản thân trước khi có sự trợ giúp từ cộng đồng.

Đó cũng là quan điểm của ThS Tô Thị Hạnh (thuộc Tổ chức Hagar International tại Việt Nam). Bà Hạnh đã chia sẻ cách thức để các nhân viên xã hội, nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại An Giang hiểu thêm về vấn đề bạo lực gia đình, cách thức để các nhân viên tiếp cận nạn nhân, giải quyết các vấn đề họ đang gặp phải. Các hình thức bạo lực gia đình đã được ThS Tô Thị Hạnh chỉ ra là hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; ngăn cản việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông bà và cháu; giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa anh, chị, em với nhau; cưỡng ép quan hệ tình dục. Đó còn là cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản của gia đình; kiểm soát tài chính, buộc các thành viên ra khỏi nơi cư trú trái pháp luật. Chính vì người gây bạo lực thường là người thân trong gia đình nên nạn nhân thường e dè khi tố giác. Mặc dù cảm thấy bị tổn thương lòng tự trọng, mang trong người cảm giác sợ hãi, căng thẳng nhưng nạn nhân luôn có tư tưởng cam chịu, nhẫn nhịn, luôn phụ thuộc về mặt cảm xúc hoặc kinh tế vào người gây bạo lực, dần dần tự chấp nhận về việc đổ lỗi và cảm thấy có lỗi về việc bị bạo lực.

Nhân viên công tác xã hội được chia sẻ chuyên đề phòng, chống bạo lực gia đình

Trong trường hợp các nhân viên công tác xã hội đã tiếp cận được nạn nhân bị bạo lực gia đình điều đầu tiên là hoạt động đảm bảo sự an toàn như: can thiệp khẩn cấp khi có nguy hiểm, đánh giá mức độ rủi ro, độ nguy hiểm của người gây bạo lực, thực hiện chuyển tuyến đến nơi an toàn ngay khi cần (chẳng hạn như nhà tạm lánh) hoặc hỗ trợ xây dựng kế hoạch an toàn cho họ. Trong hoạt động chia sẻ, nhân viên cần thể hiện thái độ thân thiện, ấm áp, tin tưởng vào những gì nạn nhân bày tỏ, không phê phán hay đổ lỗi và không áp đặt suy nghĩ cá nhân lên người phụ nữ. Điều quan trọng nữa là cần bảo mật thông tin và quyền được tôn trọng sự riêng tư của nạn nhân.

Theo ThS Tô Thị Hạnh, nếu hành vi bạo lực gia tăng mức độ nghiêm trọng hoặc tần suất, người gây bạo lực sức khỏe tâm thần không ổn định hoặc nghiện ngập cần xây dựng kế hoạch an toàn cho người bị bạo lực cho nhiều tình huống (sống chung với bạo lực, rời bỏ người gây bạo lực, đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn trên đường đi, an toàn cho trẻ nhỏ và người thân liên quan). Đồng thời, hướng dẫn người bị bạo lực lập danh sách những cá nhân và địa chỉ tin cậy từ người thân, cơ quan chức năng (ngành, đoàn thể địa phương, công an…) để gọi khi cảm thấy bạo lực sắp xảy ra hoặc đang xảy ra. Hơn hết, người bị bạo lực nên mạnh dạn tố cáo đối tượng gây bạo lực trước pháp luật; nhờ đến dịch vụ hỗ trợ pháp lý, người thân, cơ quan chức năng bảo vệ bản thân trong quá trình tạm lánh, thực hiện các thủ tục ly thân, ly hôn, chia tài sản, giành quyền nuôi con…

Bài, ảnh: NGỌC GIANG