Nỗ lực ổn định tình hình lao động, việc làm

19/12/2022 - 05:15

 - Tác động từ tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở một số nước khu vực Châu Âu khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gia công giày da, may mặc xuất khẩu gặp khó khăn, buộc phải sắp xếp, tổ chức lại lao động. Nhiều giải pháp đã và đang được ngành chức năng thực hiện để ổn định vấn đề này.

Nhiều giải pháp hỗ trợ tình hình lao động trong doanh nghiệp

Doanh nghiệp gặp khó

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang, trên địa bàn có khoảng 1.991 DN với tổng số 64.065 lao động. Riêng tại Khu công nghiệp Bình Long và Bình Hòa có gần 19.000 lao động. Tính đến ngày 25/11, có 14 DN cắt giảm lao động, việc làm, ảnh hưởng hơn 18.100 lao động. Tập trung nhiều nhất là ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản, số ít thuộc ngành bất động sản. Số lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động hơn 1.200 người; giảm giờ làm trên 13.700 người và thôi việc, mất việc hơn 3.200 người.

Tuy dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng lạm phát tại khu vực Châu Âu, tác động bởi các cuộc xung đột trên thế giới, khiến sức tiêu thụ sản phẩm bị sụt giảm rất nhiều. Từ đó, dẫn đến đơn hàng không thể duy trì, phải cắt giảm lao động để giữ hoạt động sản xuất của DN. Bên cạnh đó, nhiên liệu, nguyên liệu biến động trong thời gian dài, kéo theo chi phí tăng cao so với thông thường. Thậm chí, một số nguyên liệu đầu vào để sản xuất không thể mua được, làm hiệu quả kinh doanh bị sụt giảm.

Dù đã tìm nhiều biện pháp, nhưng DN vẫn gặp khó trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, không thể khôi phục như kế hoạch đề ra. Để duy trì, DN giảm giờ làm việc, sắp xếp người lao động (NLĐ) nghỉ phép năm hoặc phải thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động… Khi thực hiện, DN trao đổi với công đoàn cơ sở tại đơn vị và đối thoại với đại diện NLĐ để thông tin về khó khăn, xây dựng phương án sử dụng lao động và thông báo công khai cho NLĐ biết.   

Trường hợp phải thực hiện giảm lao động, DN cố gắng có chính sách hỗ trợ cho NLĐ (ngoài quy định của Bộ Luật lao động). Bên cạnh đó, đã có văn bản giới thiệu lao động đến các DN khác trong cùng lĩnh vực để hỗ trợ NLĐ tìm việc làm mới. Các ngành chức năng đều sẻ chia khó khăn với DN, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Đồng thời, động viên, đề xuất lãnh đạo DN hiểu và thông cảm với NLĐ khi đột ngột bị mất việc làm.

Nhiều giải pháp chia sẻ

Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH và các ngành liên quan đã làm việc, đề nghị lãnh đạo DN cố gắng xem xét, có chế độ hỗ trợ NLĐ. Nghĩa cử này không chỉ góp phần xoa dịu NLĐ, mà còn để họ thấy được sự quan tâm của DN dành cho mình. Đó là điều kiện để lao động quay lại gắn kết cùng DN khi DN vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Sự vào cuộc tích cực của các cơ quan để giải quyết vụ việc tại Công ty TNHH An Giang Samho vừa qua là điển hình. Sau nhiều lần thương lượng, trao đổi, thuyết phục của các ngành chức năng, lãnh đạo công ty thay đổi phương án cắt giảm lao động và các nội dung để đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động. Lãnh đạo công ty còn thông báo phương án hỗ trợ 2 triệu đồng cho lao động có tên trong danh sách cắt giảm đã công bố. Ngoài ra, công đoàn các cấp (tỉnh, khu công nghiệp và cơ sở) còn hỗ trợ thêm cho lao động thuộc diện cắt giảm.

Qua nắm tình hình và khảo sát của Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý Khu kinh tế, Liên đoàn Lao động tỉnh về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN trên địa bàn, nhìn chung, tình hình hoạt động trong thời gian tới tiếp tục gặp khó. Phần lớn DN cố gắng tìm kiếm đơn hàng để duy trì việc làm cho NLĐ ổn định cuộc sống. Thống kê sơ bộ, hiện 68 DN có nhu cầu tuyển dụng lao động, số lượng khoảng 5.200 lao động tham gia làm việc trong ngành dệt may, giày gia, chế biến thủy sản...

Đó là chưa kể thời điểm trước Tết, nhiều DN lớn ở các tỉnh, thành phố cũng cắt giảm lao động, NLĐ trở về quê đang cần tìm việc làm mới khá lớn. Bám sát tình hình trên, các cơ quan, ban ngành tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền đến NLĐ, phổ biến về đối tượng, điều kiện và mức thụ hưởng chính sách để DN, NLĐ nắm bắt thực hiện.

Sở LĐ-TB&XH An Giang tăng cường tổ chức phiên giao dịch việc làm tại xã, phường, thị trấn để kết nối số lao động bị mất việc với DN trong và ngoài tỉnh, nhằm hỗ trợ NLĐ sớm quay lại thị trường lao động. Phối hợp địa phương, đơn vị đẩy mạnh tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm… chủ động thông tin nhu cầu tuyển dụng của đơn vị, DN sau kỳ nghỉ Tết cho lao động kịp tiếp cận. Ngoài ra, giới thiệu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn đối với người đủ điều kiện cũng là giải pháp được quan tâm, nhằm giúp lao động có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn.

Bên cạnh các giải pháp thực hiện ở địa phương, Sở LĐ-TB&XH An Giang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho DN. Cùng với đó, đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định việc miễn, giãn và giảm thuế cho DN, đặc biệt là DN hoạt động xuất khẩu tại thị trường Châu Âu. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ DN tăng cường quảng bá thương hiệu; tìm kiếm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

MỸ HẠNH