Nông dân Phú Thạnh thi đua sản xuất giỏi

23/03/2022 - 06:44

 - Phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, nhiều nông dân trên địa bàn xã Phú Thạnh (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, xuất hiện nhiều nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Theo Hội Nông dân xã Phú Thạnh, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi là công tác trọng tâm của hội được thực hiện chặt chẽ từ khâu phát động đến đăng ký và xét chọn. Kết quả thực hiện phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi giai đoạn 2019-2022 khắc phục dần sự phát triển chạy theo số lượng, quan tâm nâng cao chất lượng và sự đa dạng trong cơ cấu.

Nhiều nông dân giỏi trở thành doanh nhân nông thôn, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2019-2022, xã Phú Thạnh có 3.207 nông dân giỏi, trong đó: cấp xã 2.621 nông dân, cấp huyện 348 nông dân, cấp tỉnh 238 nông dân. Tính riêng năm 2021, xã có 1.834 nông dân giỏi các cấp.

Có được kết quả trên, thời gian qua, Hội Nông dân xã Phú Thạnh đã tổ chức cho hội viên, nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Hội Nông dân xã còn trực tiếp tổ chức lớp dạy nghề theo yêu cầu nông dân (4 lớp, 87 học viên); xây dựng và thực hiện các mô hình mới, như: Sản xuất rau màu đa canh ứng dụng công nghệ cao, trồng rau trong nhà lưới, trồng chanh, bưởi... Từng bước giảm dần diện tích sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi thu nhập thấp, chuyển đổi sang các loại vật nuôi, cây trồng, hoa màu có giá trị kinh tế cao, thích ứng với thị trường...

Tuyên dương nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi xã Phú Thạnh

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Nghị quyết 11-NQ/HU của Huyện ủy Phú Tân về chuyển đổi cây trồng, Đảng ủy, UBND xã Phú Thạnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp trên từng lĩnh vực, nhất là lĩnh vực lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận những chính sách ưu đãi của nhà nước, như: Nguồn vốn, máy móc thiết bị, tiếp cận ứng dụng, chuyển giao những công nghệ mới, thành tựu khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi…

Từ đó, đã xuất hiện những mô hình sản xuất tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực, như: Mô hình sản xuất đa canh ứng dụng công nghệ cao của ông Lê Khắc Chuyên (ấp Phú Đức B); mô hình nhà màng trồng dưa lưới của Hợp tác xã Phú Thạnh (ấp Phú Lộc); mô hình nuôi lươn sinh sản của ông Đinh Kế Hải (ấp Phú Cường A); mô hình trồng nấm bào ngư của ông Trần Thoại Quang Minh (ấp Phú Cường A), mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng/ha...

Ngoài ra, Hội Nông dân xã còn chủ động tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng, tham gia các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất... Đến nay, đã xây dựng 1 câu lạc bộ với 48 thành viên; 2 tổ hợp tác sản xuất với 7 thành viên; 2 tổ hội nghề nghiệp với 11 thành viên. Hoạt động các loại hình kinh tế hợp tác góp phần giúp cho việc tổ chức sản xuất theo đúng quy trình và lịch thời vụ hàng năm. Đây còn là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, dạy nghề, điểm trình diễn kỹ thuật sản xuất trên cây trồng, vật nuôi...

Xây dựng nông thôn mới

Đặc biệt, phong trào nông dân SXKD giỏi đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM), đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội nông thôn. Nhiều tấm gương nông dân vừa SXKD giỏi, vừa gương mẫu đi đầu trong lĩnh vực xây dựng và phát triển NTM; tích cực tham gia công tác xã hội - từ thiện tại địa phương...

Điển hình trong lĩnh vực này có Tổ cất nhà xã hội từ thiện xã Phú Thạnh, hàng năm, vận động góp tiền xây dựng trên 10 căn nhà Đại đoàn kết và sửa chữa nhà Tình thương cho người nghèo; vận động đóng góp trên 100 triệu đồng/năm để bảo quản, nâng cấp, sửa chữa nghĩa địa nhân dân. Hay như ông Võ Văn Dậm, ông Đỗ Văn Chanh có nhiều đóng góp trong các phong trào, hoạt động do địa phương phát động...

Thời gian tới, Hội Nông dân xã Phú Thạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phong trào nông dân SXKD giỏi theo hướng mở rộng phát triển đa dạng các ngành nghề ở khu vực nông thôn, tăng dần số lượng, nâng cao chất lượng. Vận động nông dân chủ động tham gia các hình thức liên kết, gắn với việc ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra, tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh với thị trường.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Phú Thạnh sẽ tăng cường, đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, về: Nguồn vốn, khoa học - công nghệ, chương trình khuyến nông, dạy nghề… Tập trung xây dựng, nhân rộng những mô hình tiên tiến về “năng suất, chất lượng, hiệu quả...”, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khoa học - công nghệ vào sản xuất, tạo nên giá trị gia tăng cao. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và Nghị quyết 11-NQ/HU của Huyện ủy Phú Tân về chuyển đổi cây trồng...

Xã Phú Thạnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 2.263ha; ao hầm nuôi thủy sản 13,74ha; hoa màu 12ha, cây lâu năm 27,5ha; cây ăn trái 32,7ha. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển và giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp trên 80% giá trị sản xuất chung của xã, đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm vào cuối năm 2020.

 

ĐỨC TOÀN