Nông dân Tân Châu ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp

17/07/2024 - 06:45

 - Nông dân TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Nông dân Tân Châu ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới

Trên nền tảng của thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn 2017 đến nay, nhiều nông dân địa bàn TX. Tân Châu mạnh dạn thay đổi tư duy, tập quán canh tác truyền thống để chuyển sang chọn, trồng những loại nông sản theo hướng công nghệ cao, mang lại giá trị, hiệu quả sản xuất và góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2019, nông dân Trần Minh Quang (xã Phú Lộc) đã chuyển đổi diện tích 4ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái (nhãn, xoài). Bên cạnh đó, ông Quang còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo từng gốc nhãn và xoài để chủ động trong sản xuất.

“Trồng cây ăn trái phải tính toán lâu dài. Tuy những năm đầu phải cực công chăm sóc, nhưng từ năm thứ 3 là có thể cho thu nhập. Hiện tại, vườn cây trái nhà tôi phát triển tốt, một năm có thể thu hoạch nhiều vụ, kinh tế gia đình ổn định” - ông Quang chia sẻ.

Không dừng lại ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, sau khi tham gia các buổi hội thảo, tập huấn về thực hiện các quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây xoài, ông Quang mạnh dạn ứng dụng quy trình này vào diện tích trồng xoài của gia đình. Từ đó, nâng giá trị của trái xoài lên gấp nhiều lần so với trước đây.

“Cây xoài, trồng theo quy trình VietGAP rất tốt. Khi xoài ngoài thị trường còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng xoài trồng theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, thương lái thu mua từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Khi trồng theo quy trình VietGAP thì tuổi thọ cây xoài kéo dài. Bởi, mình bón phân cũng phải chọn lọc, không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Do đó, trái xoài vừa sạch, to, đẹp có giá trị thương phẩm, bán được giá cao” - ông Quang chia sẻ.

Không riêng ông Quang, trên diện tích trồng cây ăn trái ở xã Phú Lộc và Vĩnh Xương còn có nhiều hộ nông dân canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty, giá cả ổn định.

Còn tại xã Phú Vĩnh, ông Nguyễn Văn Gom, một trong những nông dân mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà màng, với diện tích hơn 3.500m2 để trồng dưa lê, dưa lưới. Song song đó, ông Gom còn ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, kết hợp điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh trên từng gốc dưa lê, dưa lưới nhằm tiết kiệm nước tưới, nhân công lao động và chi phí sản xuất. Năm 2023, sản phẩm dưa lê của ông Gom được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ đó, giá trị trái dưa lê được nâng tầm và đón nhận tín hiệu tích cực từ thị trường.

“Sản phẩm dưa lê công nghệ cao không những đem lại cho gia đình tôi lợi nhuận tốt, mà còn giải quyết được việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều người dân làm công. Khi sản phẩm dưa lê được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, tôi vui mừng và tự hào vì sản phẩm mình trồng được quảng bá rộng rãi” - ông Gom cười khục khặc.

Để nhiều nông dân địa bàn TX. Tân Châu có thể mạnh dạn đầu tư hệ thống công nghệ cao, thay đổi tư duy sản xuất, không còn quá chú trọng về sản lượng mà tập trung nâng cao chất lượng nông sản. Đây là kết quả từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị ở TX. Tân Châu thời gian qua. Song, điều kiện khó khăn khi ứng dụng công nghệ cao chính là chi phí đầu tư ban đầu cao, rất cần sự hỗ trợ nguồn vốn kịp thời của Nhà nước.

Khi ký kết hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp đòi hỏi biện pháp canh tác của bà con nông dân cần đồng bộ, thực hiện đảm bảo theo quy trình và có sự đồng hành, hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Có như vậy, sự kết hợp giữa “Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp và Nhà nông” mới bền chặt và hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

UBND TX. Tân Châu đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch 198, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn TX. Tân Châu. Trong đó, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông thôn, gắn xây dựng giai cấp nông dân với đô thị hóa nông thôn, phát triển toàn diện, văn minh. Đồng thời, tầm nhìn đến năm 2045, nông dân Tân Châu làm chủ được công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, có thu nhập trung bình cao trở lên.

Tin tưởng rằng, nông dân trên địa bàn TX. Tân Châu đã và đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ là những chủ thể minh chứng rõ nét nhất về tính hiệu quả, lợi ích khi giá trị sản phẩm nông nghiệp do nông dân làm ra được nâng cao. Từ đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp TX. Tân Châu phát triển bền vững trong tương lai.

HUYỀN THOẠI - TRỌNG TÍN