Nông dân Thoại Sơn thời hội nhập

15/10/2019 - 07:28

Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi là 1 trong 3 phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam phát động và ngày càng phát triển sâu rộng. Phong trào đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân cùng tham gia, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tiến tới giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho nông dân.

Thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Huyện ủy, UBND huyện Thoại Sơn đã cụ thể hóa thành những nghị quyết, kế hoạch cụ thể, phù hợp trên từng lĩnh vực, nhất là sản xuất nông nghiệp. Từ đó, nông dân được tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận những chính sách ưu đãi về nguồn vốn, trang thiết bị, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ (KHCN)… Ngoài ra, nhiều nông dân còn được tổ chức cho đi tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm những mô hình sản xuất hiệu quả ở các địa phương trong và ngoài huyện. Giai đoạn 2016-2019, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trên địa bàn huyện ngày càng đi vào chiều sâu, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ đó xuất hiện nhiều nông hộ, trang trại, doanh nhân nông thôn có quy mô sản xuất lớn với vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút nhiều lao động với thu nhập hàng năm từ 500 triệu đồng trở lên. Qua đó, thu hút 14.850 lượt nông dân đăng ký tham gia, xét đạt danh hiệu nông dân giỏi các cấp 13.834 lượt nông dân, chiếm tỷ lệ 93,15%.

Nông dân Thoại Sơn tích cực, năng động, sáng tạo và hội nhập

Địa phương ngày càng xuất hiện nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất. Điển hình là những mô hình như: sản xuất dưa lưới trong nhà màng của ông Phan Minh Hiếu (xã Vĩnh Phú); sản xuất rau thủy canh trong nhà màng của nông dân Nguyễn Nhật Trường (xã Vĩnh Trạch); nuôi lươn không bùn mật độ cao của ông Nguyễn Bá Trọng;  nuôi tôm càng xanh toàn đực của Chi hội Tôm càng xanh Phú Thuận… Nhìn chung, việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KHCN trong sản xuất được Hội Nông dân huyện quan tâm và giữ vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng các mô hình tiêu biểu, nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa hàng hóa nông sản đủ sức cạnh tranh trên thị trường mà vẫn đạt lợi nhuận cao, đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững.

Từ việc phát triển kinh tế, nông dân Thoại Sơn có nhiều đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ vững, trật tự an toàn xã hội nông thôn. Cụ thể, nhiều hội viên, nông dân đã đóng góp cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tu sửa các công trình phúc lợi như: trường học, trạm y tế… với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng (kể cả ngày công lao động). Với nhiều đóng góp tích cực cùng sự năng động, sáng tạo trong SXKD, qua 3 năm thực hiện phong trào nông dân SXKD giỏi (2017-2019), toàn huyện có 152 cá nhân và 2 tập thể được khen thưởng. Trong đó, 80 nông dân được nhận bằng khen của UBND tỉnh, 72 nông dân được nhận giấy khen của UBND huyện.

Từ phong trào nông dân SXKD giỏi, Thoại Sơn xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, chung tay xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Điển hình là nông dân Nguyễn Quốc Hùng (ngụ ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh 7 năm liền. “Từ năm 2005, tôi quyết định chuyển qua sản xuất lúa giống. Thấy được hiệu quả kinh tế, tôi phát triển thêm 50ha bằng cách hợp đồng với các nông dân giỏi sản xuất lúa giống trên địa bàn, thành lập công ty sản xuất lúa giống. Từ đây, tôi đầu tư thêm máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp, lò sấy… để hoàn chỉnh quy trình sản xuất theo quy mô hiện đại. Hiện nay, tôi đã có “vệ tinh” trên 10 điểm tiêu thụ lúa giống ngoài tỉnh và nước bạn Campuchia, hàng năm tiêu thụ 700-800 tấn lúa giống các loại với tổng doanh thu khoảng 9 tỷ đồng/năm, qua đó tạo việc làm thường xuyên cho 38 lao động tại địa phương” - ông Hùng cho biết.

Hay mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, rộng 1.000m2 của nông dân Phan Văn Đắt (sinh năm 1953, ngụ ấp Trung Phú 6, xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn). Chia sẻ quyết định gom tất cả tiền dành dụm và vay mượn thêm để trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao, vợ chồng ông Đắt cho biết, kinh phí đầu tư khoảng 360 triệu đồng. Từ khi trồng đến nay, vợ chồng ông là người trực tiếp chăm sóc, con trai hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Với số lượng 2.500 cây giống, nếu tính trung bình 1 trái dưa đạt trọng lượng từ 1,5-1,7kg thì vụ đầu tiên của gia đình ông đạt 3,7 tấn, doanh thu khoảng 150 triệu đồng. Dưa lưới từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 3 tháng, 1 năm có thể trồng được 3 vụ. Hiện, vườn dưa lưới của ông Đắt được công ty bao tiêu với giá 30.000 đồng/kg.

Những kết quả trên đã khẳng định, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi của huyện Thoại Sơn tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa lớn. Để phong trào phát huy hiệu quả sâu rộng hơn, ngoài việc tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị thì việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, như: hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật; giúp nông dân xây dựng các mô hình phát triển SXKD đang được quan tâm.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN