Quy hoạch lại sản xuất
Đi đầu trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, sự biến động tăng, giảm của thị trường nông sản, TX. Tân Châu đẩy mạnh quy hoạch lại sản xuất phù hợp với tình hình thực tiễn. Cụ thể, quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với 7 nhóm sản phẩm (lúa, cá tra, rau màu, cây có múi, nấm ăn, nấm dược liệu, hoa kiểng).
Vận động nông dân đổi mới quy trình canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng; mạnh dạn chuyển dịch theo hướng công nghệ cao. Trên diện tích sản xuất hàng năm (33.496ha), ngành nông nghiệp quy hoạch lại 8 vùng đê bao khép kín, chủ động trong sản xuất lẫn xả lũ, tiêu thoát úng. Tùy theo từng vùng, diện tích gieo trồng trên vụ từ 520 - 3.100ha/vụ.
Khi quy hoạch lại các vùng đê bao, ngành nông nghiệp địa phương đã quy hoạch cây trồng, thời vụ sản xuất phù hợp. Những vùng trồng lúa kém hiệu quả, địa phương tiến hành họp dân lấy ý kiến, định hướng cho nông dân chuyển đổi cây trồng, như vùng Vĩnh Xương - Phú Lộc.
Vùng này có diện tích sản xuất 650ha, chính quyền định hướng cho nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, xoài keo để xuất khẩu sang Châu Âu và Trung Quốc. Nhờ đó, giá trị sản xuất đạt thấp nhất 183 triệu đồng/ha/năm. Còn giá trị sản xuất trên mỗi mặt nước lên đến 1,8 tỷ đồng/ha/năm.
“Có thể nói, nhờ vào định hướng của UBND thị xã, ngành nông nghiệp, nông dân vùng này khấm khá hơn. Vĩnh Hòa có nhiều vùng sạt lở, nếu cứ tiếp tục trồng lúa, rau màu như lâu nay, sẽ không hiệu quả hơn nuôi cá giống. Do vậy, nông dân trên địa bàn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cuộc sống thay đổi tích cực như hôm nay” - ông Nguyễn Thanh Hoàng (chủ trang trại giống cá tra, xã Vĩnh Hòa) phân tích.
Theo ông Hoàng, ngoài thế mạnh, tiềm năng của vùng đất, nông dân Vĩnh Hòa rất có kinh nghiệm trong ương nuôi cá tra. Hiện, để thích ứng với cơ chế thị trường, “bán cái thị trường cần”, nhiều nông dân trong xã chuyển đổi từ ương nuôi cá tra sang nuôi các loài thủy sản khác, như: Cá chạch lấu, cá chốt sọc, cá lăng nha, lươn... Nông dân đã biết phát huy thế mạnh của vùng đất, kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế (sẵn có) của mình để làm giàu chính đáng.
Đẩy mạnh liên kết
Nếu ở tỉnh Đồng Tháp, thủ phủ cá tra giống đặt ở huyện Hồng Ngự, thì ở An Giang, thủ phủ của con giống cá tra đặt ở TX. Tân Châu. Bởi, nghề vớt cá tra bột trên sông đã có ở vùng đất này gần 100 năm qua. Huyện Hồng Ngự - TX. Tân Châu có chung con sông Tiền. Sự kiện tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ hội cá tra với chủ đề “Vươn ra biển lớn” đã làm nức lòng người nuôi cá giống ở xã Vĩnh Hòa, Tân An, Vĩnh Xương (TX. Tân Châu). Bởi từ đây, ngành hàng cá tra sẽ tiếp tục được phát triển, đời sống của người nuôi cá ổn định hơn.
Năm 2022 khép lại, nông nghiệp Tân Châu tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Đời sống của nông dân không ngừng nâng lên, nông thôn không ngừng thay da, đổi thịt. “Có được điều đó, theo tôi là nhờ vào chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đúng đắn, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ ổn định, tránh được những rủi ro vốn có của thị trường” - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phú A1 (xã Tân Thạnh) Trịnh Văn Dứt phân tích.
Trong liên kết sản xuất, tính từ năm 2016 đến nay, tổng diện tích đất có liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm 3.199ha. Đi đầu trong số đó là nông dân các xã: Tân Thạnh, Long An, Phú Vĩnh, Tân An, Long Sơn, Châu Phong. Bên cạnh cây lúa, thị xã còn tổ chức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trên rau màu. Nhờ đó, sản phẩm làm ra, ngoài chất lượng được đảm bảo, truy xuất được nguồn gốc, nông dân không phải lo khâu tiêu thụ.
“Chúng tôi rất mong được tiếp tục hợp tác với nông dân trên địa bàn, nhằm đẩy mạnh hơn nữa quá trình liên kết, ổn định vùng nguyên liệu phục vụ chương trình xuất khẩu gạo. Bởi khi liên kết, chất lượng gạo được đồng nhất, giá cả ổn định, đây là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến giá xuất khẩu có cạnh tranh hay không” - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lương thực Thành Tâm (TX. Tân Châu) Nguyễn Thành Tâm chia sẻ.
Sản lượng ổn định, chất lượng sản phẩm đảm bảo, đời sống nông hộ không ngừng tăng lên. TX. Tân Châu đang tính toán cho đất “nghỉ ngơi” thông qua phương thức sản xuất, chuyển từ “3 năm, 8 vụ” sang “2 năm, 5 vụ”. Sản xuất ít lại nhưng sản phẩm nông nghiệp làm ra có giá trị cao hơn, thu nhập người nông dân ổn định và tăng cao, đời sống bớt vất vả hơn. Đây là tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp cần được nhân rộng trong thời gian tới, để nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững.
“Thời gian qua, khi thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ngành nông nghiệp địa phương đã đạt được nhiều thắng lợi trên các phương diện. Từ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và phát triển; nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, nông sản có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng nâng lên. Nhà nông đã sống được với nghề nông, điều đó cho thấy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương đang đi đúng hướng” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê phân tích. |
MINH HIỂN