Một cây cầu được xây dựng mới tại xã Mỹ Khánh
Để huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới cho 2 xã, thành phố đã chủ động, tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách địa phương, lồng ghép với nguồn vốn chương trình mục tiêu, vốn vay tín dụng, doanh nghiệp, nguồn huy động khác và nhân dân đóng góp... Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011 - 2018) trên 518 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 28,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 300 tỷ đồng...
Qua hơn 8 năm thực hiện chương trình, trên cơ sở hỗ trợ của UBND tỉnh, địa phương đầu tư xây dựng 48,49km đường giao thông đạt chuẩn trên địa bàn 2 xã (tăng 18,51km so với năm 2011); cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 39 cầu nông thôn; đảm bảo 100% số xã đã có đường ô tô đến tận trung tâm xã. Trong đó, tỷ lệ đường xã và đường trung tâm xã đến thành phố đạt 100% (5,28/5,28km); tỷ lệ đường trục ấp, liên ấp đạt 94,49% (17,15/18,15km); tỷ lệ đường ngõ xóm đạt 100% (8,79/8,79km); tỷ lệ đường nội đồng đạt 68,66% (2,9/4,5km).
Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2018 đạt 44,291 triệu đồng/người/năm, tăng gần 30 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn bình quân 2 xã chỉ còn 0,49%. Các chỉ tiêu khác cũng có bước phát triển tốt. Nông nghiệp, nông thôn của thành phố từng bước thay đổi toàn diện. Bộ mặt nông thôn khang trang; cảnh quan nông thôn, vệ sinh môi trường được cải thiện; kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt là cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đạt chuẩn, các tuyến giao thông, trường học, trạm y tế, chợ được đầu tư nâng cấp; hệ thống công trình hạ tầng thủy lợi được đầu tư, nâng cấp; 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và trên 97% hộ dân sử dụng nước do nhà máy cung cấp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, duy trì và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ các mặt hàng thế mạnh của địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả. Từng bước có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ và hành động cụ thể của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Bảo Sinh, quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu: “Thứ nhất, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền địa phương, nhất là quyết tâm chính trị và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là yếu tố quyết định thắng lợi rất lớn. Thực tế cho thấy, nơi nào đồng chí bí thư, chủ tịch quan tâm chỉ đạo thực hiện sâu sát, thì nơi đó có việc xây dựng nông thôn mới có kết quả khả quan. Thứ hai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động làm chuyển biến nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để có sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và người dân trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới. Công tác này cần được duy trì thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú. Thứ ba, từng đơn vị phải có kế hoạch thực hiện cụ thể, có phân công, phân nhiệm rõ ràng; có kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; phải có sự phối hợp thực hiện hài hòa giữa các đơn vị và địa phương cũng như xác định được thứ tự ưu tiên thực hiện trong từng giai đoạn; phát hiện, ghi nhận và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thứ tư, khéo léo tận dụng, lồng ghép các nguồn vốn, huy động các nguồn lực xã hội hợp lý trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các bên để tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh...”.
Ngày 17-7-2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký quyết định công nhận TP. Long Xuyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018. Quyết định sẽ được công bố vào tối 20-8, nhân dịp TP. Long Xuyên tổ chức lễ kỷ niệm “230 năm hình thành và phát triển”. Tuy nhiên, dấu mốc quan trọng ấy vẫn chưa phải là điểm kết thúc, mà chỉ là chặng nghỉ dừng chân cho những đích đến cao hơn. Các xã nông thôn mới tiếp tục được xây dựng theo hướng có kinh tế - xã hội phát triển, kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện, hiện đại; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày được nâng cao, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Địa phương sẽ phải tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt theo quy định; phấn đấu xã Mỹ Hòa Hưng đạt bộ tiêu chí nâng cao năm 2019 và tiêu chí kiểu mẫu vào năm 2020.
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG