Phát triển kinh tế từ cây chanh bông tím

02/11/2020 - 06:27

 - Gần đây, nhiều nông dân trên địa xã An Thạnh Trung (Chợ Mới) đã lựa chọn cây chanh bông tím trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế một số cây trồng kém hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế nông hộ ở địa phương.

Mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây chanh bông tím, nông dân Võ Phước Nhiều cho biết, trước đây anh trồng lúa nhưng năng suất và lợi nhuận không cao. Năm 2017, thông qua các lớp tập huấn khuyến nông, xem thông tin trên báo, đài và học hỏi kinh nghiệm các mô hình trồng chanh đạt hiệu quả cao ở địa phương, anh lên liếp trồng thử nghiệm 6 công, với 450 gốc chanh bông tím.

Sau hơn 1 năm trồng và chăm sóc, thấy cây chanh bông tím phát triển tốt, với nhiều ưu điểm như: thích hợp với vùng đất địa phương, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, đặc biệt trái chanh bông tím có vỏ dày, dễ vận chuyển đi xa nên thị trường tiêu thụ rộng khắp, giá cả ổn định hơn so các loại chanh khác. Từ những ưu điểm vượt trội của cây chanh bông tím, anh Nhiều đã mạnh dạn nhân rộng mô hình, chuyển đổi hết toàn bộ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chanh bông tím. Hiện tại, vườn chanh của anh Nhiều có diện tích khoảng 16 công đất, với 1.100 gốc chanh bông tím. “Vườn chanh mới đến nay được 16 tháng tuổi, thu hoạch được 6 đợt trái, năng suất khoảng 20 tấn trái. “Bán xô” cho thương lái tại vườn với giá dao động từ 3.000-25.000 đồng/kg tùy vào thời điểm, sau khi trừ các khoản chi phí tôi còn lời hơn 120 triệu đồng” - anh Nhiều chia sẻ.

Chăm sóc vườn chanh bông tím

Tương tự, nông dân Bùi Thanh Cần (ngụ ấp An Hồng) là một trong những hộ nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng chanh bông tím trên chính mảnh vườn của mình, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Ông Cần cho biết: “Trước đây, tôi trồng lúa trên mảnh vườn này, nhưng năm nào cũng lo âu bởi tình trạng “trúng mùa mất giá”. Thấy vậy, tôi quyết định lên liếp hết 2ha đất để trồng 1.000 gốc chanh bông tím. Đến nay, các gốc chanh đã hơn 2 năm tuổi. Từ ngày chuyển sang làm vườn, kinh tế gia đình đã khá hơn so với trước, vì cây chanh cho thu nhập ổn định, quanh năm”. Hiện tại, trung bình mỗi tháng vườn chanh bông tím của ông Cần thu hoạch 1 đợt trái, năng suất khoảng 2 tấn trái/ha, “bán xô” cho thương lái với giá trung bình khoảng 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông còn lời khoảng 25 triệu đồng. Ngoài việc bán chanh trái, ông Cần còn chiết nhánh bán cây giống cho những hộ có nhu cầu, giá bình quân 20.000 đồng/nhánh, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng ngàn nhánh chanh giống, tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Theo ông Cần, chanh bông tím là cây ít gai, tán dày đặc, xum xuê. Trái to, vỏ dày có màu xanh đậm và hơi sần. Tép chanh màu vàng nhạt, to, nhiều nước. Chanh bông tím cho trái quanh năm, nhưng vẫn có hương vị lẫn độ chua như giống chanh truyền thống. Chanh bông tím lớn nhanh, trồng khoảng 8-9 tháng là cây đã ra bông có nụ màu tím đậm. Từ khi ra bông đến lúc thu hoạch khoảng 5 tháng, trái thành chùm từ 3-7 trái. Trung bình từ 20-25 ngày sẽ thu hoạch trái 1 lần, năng suất đạt khoảng 2-3 tấn trái/ha, cao hơn các giống chanh khác và tuổi thọ của chanh bông tím có thể gần 10 năm. Cây chanh bông tím có sức đề kháng tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất, chất lượng sau mỗi lần thu hoạch nên bón nhiều phân hữu cơ, bón cân đối phân hóa học nhằm giúp cây phát triển tốt, cho trái to, đẹp. Các bệnh thường gặp ở cây chanh bông tím, như: rệp sáp gây quéo lá, sâu vẽ bùa, rệp, sâu xanh ăn lá, xì mủ gốc chết cây... Vào mùa mưa, cây chanh bông tím hay bị bệnh ghẻ trái, bị bệnh vàng lá… Do vậy, cần phun thuốc ngừa nấm và vi khuẩn định kỳ, đồng thời thường xuyên cắt tỉa những cành vượt, cành vô hiệu để tạo sự thông thoáng nhằm ngăn ngừa bệnh vàng lá và bón vôi diệt khuẩn định kỳ. Nếu chủ động phòng trị kịp thời sẽ hạn chế thiệt hại do các bệnh gây ra, cây chanh sẽ cho năng suất cao và trái đẹp.

Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thạnh Trung Trần Hồng Thanh cho biết, thời gian qua, xã An Thạnh Trung chủ trương chuyển dịch một số diện tích vườn tạp, đất nông nghiệp sản xuất lúa kém hiệu quả sang một số mô hình, như: trồng chanh bông tím, sầu riêng, đậu nành rau, trồng tía tô lấy lá… phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và phương thức canh tác tại địa phương. Sau khi chuyển dịch, bà con nông dân đều đánh giá cao về hiệu quả kinh tế mang lại, trong đó có mô hình trồng chanh bông tím. Hiện toàn xã có diện tích khoảng 20ha đất chuyển đổi sang trồng bông tím, chủ yếu tập trung ở 2 ấp An Phú và An Hồng.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã An Thạnh Trung sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nông dân thực hiện đề án quy hoạch vùng chuyên canh của xã và sản xuất theo các quy trình tiên tiến, thân thiện với môi trường nhằm nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản.

TRỌNG TÍN