Bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, ra viện. Ảnh: TTXVN
Theo Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến hết ngày 2/12, Việt Nam đã có tổng số ca bệnh COVID-19 được điều trị khỏi là 1.005.310 ca.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, có 6.600 ca nặng; trong đó có 15 ca đang phải chạy hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO); có 4.387 ca thở oxy qua mặt nạ; có 1.359 ca thở oxy dòng cao HFNC; có 162 ca thở máy không xâm lấn; có 677 ca thở máy xâm lấn.
Tính đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam đã được ghi nhận là 25.658 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Sau thời gian số ca tử vong giảm mạnh với 2 con số, những ngày gần đây cùng với sự tăng lên về số ca mắc mới, số ca tử vong cũng có dấu hiệu tăng lên. Đơn cử như ngày 2/12 cả nước ghi nhận 210 ca tử vong, ngày 1/12 ghi nhận 196 ca tử vong… Các ca tử vong chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam như: Đồng Nai, Bình Dương, An Giang…
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 179 ca. Tổng số ca tử vong của Việt Nam hiện xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong của Việt Nam xếp thứ 9/49 (xếp thứ 5 ASEAN).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, qua phân tích cho thấy, hầu hết các ca bệnh COVID-19 tử vong vừa qua đều ở nhóm người trên 50 tuổi và có bệnh nền.
Theo đó, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả điều trị, giảm số ca tử vong như: Quan tâm, theo dõi người bệnh ở độ tuổi có nguy cơ cao nhằm điều chỉnh, phân tầng điều trị; các bệnh viện tăng cường theo dõi, giám sát ngay từ khi bệnh nhân nhập viện; tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có ca chuyển nặng cao; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng kích hoạt lại trung tâm hỗ trợ từ xa; các địa phương cử người có năng lực kiểm soát, chuyển tầng phù hợp; xây dựng hệ thống giám sát; có biện pháp về giảm thiểu ca tử vong gửi các bệnh viện, tỉnh, thành phố.
Theo TẠ NGUYÊN (Báo Tin Tức)