Theo Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền, toàn tỉnh xuống giống dứt điểm lúa đông xuân năm 2024 - 2025 với diện tích 227.611ha, đạt 99,87% kế hoạch, cao hơn 356ha so cùng kỳ. Thời tiết ngày Tết Nguyên đán khá lạnh, sáng sớm có sương mù, nhiều nắng, nên xuất hiện các đối tượng gây hại, như: Chuột, bù lạch, sâu cuốn lá, rầy nâu, muỗi hành và bệnh đạo ôn. Diện tích nhiễm trong tuần Tết là 5.883,5ha, chủ yếu gây hại mức độ nhẹ. Tuy nhiên, 6.317ha nhiễm muỗi hành từ đầu vụ, với mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ có 74ha nhiễm nặng.
Nhằm chủ động phòng, chống dịch hại trên cây trồng, Chi cục TT&BVTV An Giang ban hành dự báo tình hình dịch hại chủ yếu trên cây lúa vụ đông xuân 2024 - 2025 thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó, thông tin tình hình cơ cấu giống, các trà lúa; diễn biến sâu bệnh và dự báo tình hình dịch hại trên lúa đông xuân; khuyến cáo, lưu ý trong công tác quản lý dịch hại. Đồng thời, chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, ổn định sản xuất nông nghiệp. Lực lượng kỹ thuật viên cấp xã tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng tại các địa phương, kịp thời phát hiện, xử lý nhanh khi dịch xảy ra, không để lây lan diện rộng.
Kiểm tra tình hình sâu bệnh sau Tết ở các địa phương: Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn
Đơn vị tổ chức thăm đồng, theo dõi tình hình dịch bệnh và hoạt động sản xuất vào ngày 29/1 (mùng 1 Tết) tại huyện Châu Phú, TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ năng suất. Bên cạnh đó, lãnh đạo chi cục cũng phân công cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp trạm TT&BVTV cấp huyện tăng cường thăm đồng, kịp thời phát hiện và khuyến cáo nông dân phòng trừ dịch hại.
Sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chuyên môn, địa phương và nông dân đã giúp công tác phòng, chống dịch hại đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, những tín hiệu từ thị trường đã dự báo giá lúa có thể xuống thấp, ngành chuyên môn cần tập trung hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hại, nhằm bảo vệ năng suất, bảo đảm lợi nhuận vụ sản xuất đông xuân 2024 - 2025. Trong đó, cần tập trung vào các đối tượng gây hại, như: Muỗi hành, bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy phấn trắng, bệnh cháy bìa lá có khả năng phát triển mạnh trên các giống: Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, IR50404… Lưu ý, bệnh đạo ôn nhiễm ở tất cả giai đoạn của cây lúa, nhất là đạo ôn cổ bông, ảnh hưởng lớn đến năng suất, cần tập trung theo dõi thường xuyên để kịp thời phòng trị.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang khuyến cáo nông dân tăng cường quản lý dịch hại sau Tết
Sau Tết Nguyên đán 2025, Chi cục TT&BVTV An Giang tiếp tục tổ chức đoàn thăm đồng, với sự tham gia của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương nhằm nắm bắt, đánh giá tình hình dịch hại, kịp thời đưa ra khuyến cáo cho nông dân. Thông qua hoạt động thăm đồng, sẽ tuyên truyền, vận động nông dân không chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại theo nguyên tắc, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Ban Chỉ đạo Phòng trừ dịch hại các địa phương tăng cường thăm đồng, phối hợp cơ quan thông tin thông báo kịp thời tình hình sinh vật gây hại; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân xử lý kịp thời; không phun thuốc bảo vệ thực vật khi chưa cần thiết.
Cùng với đó, tăng cường dự tính, dự báo, kịp thời ứng phó tình hình dịch hại trên cây trồng, vật nuôi trên toàn tỉnh; khuyến cáo giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trước, trong, sau Tết Nguyên đán. Chỉ đạo các trạm TT&BVTV cấp huyện thường xuyên theo dõi, báo cáo tình hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm lúa, cây ăn trái và rau màu. Chi cục TT&BVTV An Giang cũng đề nghị địa phương phối hợp cơ quan chuyên môn tổ chức hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hiệu theo nguyên tắc “4 đúng”; áp dụng quy trình kỹ thuật, canh tác lúa giảm chi phí, nhằm đảm bảo lợi nhuận trước tình hình giá lúa thấp có thể xảy ra trong thời gian tới.
THANH TIẾN