Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững

09/11/2021 - 06:18

 - Đảng bộ tỉnh An Giang xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển địa phương. Do đó, công tác giảm nghèo luôn được quan tâm thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách để từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của các đối tượng yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Trao nhu yếu phẩm cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19

Đạt nhiều kết quả

Mục tiêu giảm nghèo được tỉnh đưa vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của địa phương và lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh còn ban hành các chính sách đặc thù để thực hiện công tác giảm nghèo. Những chính sách đó đã giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra, giúp các nhóm đối tượng vươn lên thoát nghèo. Phân công, chỉ đạo cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia giúp đỡ hộ nghèo, xã khó khăn.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư hoàn thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương; an sinh xã hội được chăm lo, cải thiện; công tác giáo dục, y tế được nâng cao về chất lượng. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình sản xuất giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo cải thiện phương thức lao động, tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống. Từ đó, đã làm giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo hàng năm. Giai đoạn 2006 - 2010, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 1,91%/ năm; giai đoạn 2011 - 2015, giảm bình quân 1,36 %/ năm; giai đoạn 2016 - 2020, giảm bình quân 1,5 %/năm). Mức sống các hộ nghèo hiện nay so với những năm trước từng bước được cải thiện và nâng lên đáng kể.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức, chưa bền vững, còn nguy cơ tái nghèo; đặc biệt là một số huyện miền núi, biên giới có đông đồng bào DTTS sinh sống vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo khá cao; tính chủ động của người nghèo còn hạn chế, một bộ phận còn trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước, không nắm bắt cơ hội để vươn lên thoát nghèo; đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp cơ sở thiếu ổn định; công tác tổ chức, thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững còn nhiều bất cập.

Ngoài ra, do đặc điểm kinh tế của An Giang chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; các yếu tố giá cả thị trường luôn tác động bất lợi cho người sản xuất, cùng với thiên tai, lũ lụt hàng năm, luôn làm biến động về tăng, giảm hộ nghèo. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất lớn đến sự phát triển KTXH và ảnh hưởng đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.   

Hướng đến giảm nghèo bền vững

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch 23-KH/TU về thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 23-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Theo Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, quan điểm của tỉnh là đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, là điều kiện để đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của tỉnh trong giai đoạn tới.

An Giang phấn đấu thực hiện mục tiêu: giảm nghèo bền vững; giảm dần khoảng cách giàu, nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân từ 1-1,2%/năm, trong đó, hộ nghèo DTTS giảm bình quân từ 3-4%/ năm. Phấn đấu đến cuối năm 2030, cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn.

Để đạt những mục tiêu trên, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương tăng cường lãnh, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Đảm bảo thực hiện chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, triển khai xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp với từng địa bàn, tạo việc làm, sinh kế bền vững, nâng mức thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào DTTS; đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản, như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, việc làm và vệ sinh, thông tin…

Khơi dậy ý chí tự lực, nỗ lực vươn lên của người nghèo, từng bước nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn bình quân chung cả nước. Song song đó, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác giảm nghèo bền vững…

THU THẢO