Tăng diện tích liên kết năm 2023

09/12/2022 - 04:52

 - Trong khi diện tích “Cánh đồng lớn” ở nhiều tỉnh ĐBSCL sụt giảm, thì ở An Giang liên tục tăng. Nhằm nâng giá trị nông sản, hướng đến sản xuất bền vững, An Giang khuyến khích các doanh nghiệp (DN) cùng tham gia thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản…

Phát triển hợp tác xã

Những năm gần đây, chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong nông nghiệp được tăng cường triển khai từ Trung ương đến tỉnh. Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 về tăng cường phổ biến các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN, HTX, tổ hợp tác (THT), người dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Về phía An Giang, ngày 7/12/2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 31/2018/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ngày 29/6/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động 06-CTr/TU về phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp được liên kết tiêu thụ

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đây là những chủ trương và cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”, gắn với thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác của HTX kiểu mới, liên kết từ cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác. Toàn ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ của tỉnh và Trung ương đối với phát triển HTX, kinh tế hợp tác.

Dự kiến năm 2023, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp hỗ trợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời mở rộng diện tích thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trên lúa trên địa bàn tỉnh tăng 20.500ha, với 110 HTX tham gia hợp đồng liên kết; hỗ trợ Tập đoàn Tân Long đẩy nhanh tiến độ liên kết sản xuất và mở rộng diện tích thu mua lúa tăng 5.000ha. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các tập đoàn, DN như: Lộc Trời, Tân Long, Chánh Thu, Quốc Tế Gia, Antesco… tiếp tục liên kết sản xuất, thu mua nông sản theo kế hoạch năm 2023.

Liên kết nhiều lĩnh vực

Theo Sở NN&PTNT An Giang, ước kế hoạch thực hiện liên kết sản xuất lúa, nếp năm 2023 của các DN, thương lái trong và ngoài tỉnh là 469.725ha (vụ đông xuân 2022-2023 là 200.587ha, vụ hè thu 2022 là 194.462ha, vụ thu đông 2022 là 108.668ha), trong đó diện tích lúa giống tham gia liên kết sản xuất 6.000ha. Với rau màu, ước thực hiện liên kết sản xuất 24.500ha (đông xuân 9.000ha, hè thu 9.500ha, thu đông 6.000ha). Năm 2023, ước tổng sản lượng trái cây có tham gia liên kết khoảng 140.000 tấn, gồm: 25.500 tấn gắn kết tiêu thụ với 14 DN; 114.500 tấn được tiêu thụ thông qua các vựa xoài, thương lái và siêu thị (Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Winmart, Mega Market Long Xuyên…).

Trong lĩnh vực chăn nuôi, dự kiến số lượng vật nuôi xuất chuồng tại các trại chăn nuôi có hợp đồng liên kết sản xuất với DN năm 2023 hơn 1,5 triệu con, gồm: 25.900 con heo/4 trại, 300.000 con vịt/2 trại và 1.175.000 con gà/5 trại. Trong khi, dự kiến sản lượng nuôi năm 2023 của các chuỗi liên kết cá tra và DN là 380.000 tấn, tương đương 1.085ha.

Bên cạnh hỗ trợ các DN xây dựng chuỗi liên kết, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng đạt tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để xuất khẩu. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, toàn tỉnh đã cấp hơn 206 mã số (185 mã số vùng trồng trên cây trồng, 21 mã số cho các cơ sở đóng gói). Kế hoạch năm 2023, sẽ cấp thêm 830 mã số, trong đó lúa, nếp 617 mã số, rau màu 130 mã số, cây ăn trái 83 mã số. “Việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt của tỉnh An Giang, nên cần phải đẩy nhanh tiến độ. Việc cấp mã số vùng trồng còn giúp sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, thuận lợi liên kết tiêu thụ” - ông Lâm đánh giá.

Cùng với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, Sở NN&PTNT An Giang  còn phối hợp các sở, ngành, địa phương tăng cường mời gọi các DN đầu tư về nông thôn; chủ động tranh thủ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tỉnh sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn về nâng cao năng lực thực hiện chương trình OCOP cho cán bộ quản lý và chủ thể sản xuất tại các địa phương. Đồng thời, thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức, như: Pa-nô tuyên truyền trực quan tại các xã điểm trong lộ trình xây dựng NTM tỉnh giai đoạn 2021-2025; tăng cường tuyên truyền trên báo, đài…

NGÔ CHUẨN