Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa giảm, gạo lại tăng

09/05/2022 - 08:35

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.700 đồng/kg, giá bình quân là 5.475 đồng/kg, giảm 133 đồng/kg.

Nông dân thu hoạch lúa. (Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN)

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ trong khi giá gạo lại tăng so với tuần trước.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.700 đồng/kg, giá bình quân là 5.475đồng/kg, giảm 133 đồng/kg. 

Tuy nhiên, giá lúa thường tại kho cao nhất 7.150 đồng/kg, trung bình là 6.596 đồng/kg, tăng 46 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo cũng tăng nhẹ. Giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.550 đồng/kg, giá bình quân 9.171 đồng/kg, tăng 68 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.350 đồng/kg, giá bình quân 8.958 đồng/kg, tăng 58 đồng/kg.

Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.150 đồng/kg, giá bình quân 8.717 đồng/kg, tăng 58 đồng/kg. Gạo xát trắng loại 1 có giá trung bình là 9.583 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. 

Tại An Giang, hầu hết các loại lúa có sự ổn định so với tuần trước như: OM 18 từ 5.800 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 5.400-5.600 đồng/kg, lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 5.900 đồng/kg, OM 5451 từ 5.500-5.700 đồng/kg; riêng Đài thơm tám từ 5.700-5.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; riêng gạo thường 11.500-12.500 đồng/kg.

Tại Cần Thơ, giá các loại lúa vẫn duy trì ổn định so với tuần trước: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.600 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg. 

Tại Sóc Trăng, giá lúa vẫn giữ nguyên, cụ thể: ST 24 có giá là 8.500 đồng/kg, OM 4900 là 8.500 đồng/kg, OM 5451 là 6.700 đồng/kg; riêng lúa Đài thơm 8 là 6.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Còn tại Hậu Giang, giá IR 50404 là 6.400 đồng/kg;  OM 18 là 7.000 đồng/kg; RTV là 8.700 đồng/kg.

Vụ Đông Xuân 2021-2022 tỉnh Đồng Tháp xuống giống 189.125 ha, đạt 99,5% so với kế hoạch. Đến nay đã thu hoạch đạt gần 100% diện tích xuống giống, năng suất bình quân hơn 7 tấn/ha. Vụ lúa Đông Xuân đạt trên 1,3 triệu tấn.

Vụ Đông Xuân 2021-2022 tỉnh Đồng Tháp đạt được mục tiêu hơn 1,3 triệu tấn lúa là nhờ tỉnh chỉ đạo người dân thực hiện sử dụng giống lúa xác nhận, ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 4, cả nước đã gieo cấy được 2.990,6 nghìn ha lúa Đông Xuân, giảm 0,4% so cùng kỳ năm trước; thu hoạch được 1.568,7 nghìn ha; năng suất bình quân trên diện tích thu hoạch đạt 71,1 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt trên 11,1 triệu tấn lúa.

Các địa phương phía Nam đã xuống giống 506,2 nghìn ha lúa Hè Thu, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung tại Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Hậu Giang.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm chào bán ở mức 420 USD/tấn, tăng từ mức 415 USD/tấn của tuần.

Nông dân huyện Thạnh Hóa (Long An) vận chuyển thóc vừa thu hoạch. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng tăng trong tuần này nhờ nhu cầu từ châu Á và châu Phi tăng cao. 

Giá gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng lên mức từ 363-367 USD/tấn, cao hơn so với mức từ 361-365 USD/tấn trong tuần trước, với giá gạo tăng nhờ đồng nội tệ rupee mạnh lên. 

Ông Nitin Gupta, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh gạo của công ty Olam (Ấn Độ), cho biết: "Nhu cầu đối với tất cả các loại gạo đang tăng mạnh tại châu Á và châu Phi." 

Nhìn chung, đồng rupee mạnh hơn làm giảm biên độ lợi nhuận của các thương nhân bán hàng ở nước ngoài. 

Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết "giá đang tăng lên do nguồn cung khan hiếm khi vụ thu hoạch Đông–Xuân đã kết thúc". Theo thương nhân này, nguồn cung sẽ tăng sau vụ thu hoạch Hè-Thu vào cuối tháng Năm tới đây.

Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đứng ở mức từ 435-445 USD/tấn trong tuần này, tăng từ mức gần mức từ 432- 435 USD/tấn của tuần trước đó.

Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết: "Nhu cầu từ Iraq ngày càng nhiều, với nhiều tàu vận chuyển hàng hóa đến để mua gạo và điều này khiến giá cả tăng lên."

Một thương nhân khác cho biết lượng gạo trên thị trường sẽ bắt đầu giảm khi Thái Lan bước vào mùa mưa.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch ngày 6/5, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ, CBOT) biến động tăng giảm trái chiều, với giá ngô và đậu tương giảm trong khi giá lúa mỳ tăng. 

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2022 giảm 12,75 xu Mỹ (tương đương 1,6%) xuống 7,8475 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 25 xu Mỹ (1,52%), xuống 16,22 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 7/2022 tăng 2 xu Mỹ (0,18%) lên 11,085 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).

Giá ngô và đậu tương giảm do ảnh hưởng của thị trường tài chính và dự báo thời tiết vùng Trung Mỹ được cải thiện.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng người dùng cuối có thể sử dụng thời gian này để tính toán về báo cáo mà Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra ngày 5/5. 

Thời tiết gieo trồng cải thiện đang gây ra áp lực ngắn hạn đối với giá cả trên sàn CBOT. 

AgResource quan ngại giá ngũ cốc giảm sẽ kéo dài hoặc rất sâu. Giá lúa mỳ sẽ được theo dõi sát sao theo tình hình hạn hán ở Liên minh châu Âu. 

Về thị trường càphê thế giới, trong phiên giao dịch càphê ngày 6/5, giá càphê thế giới trên hai sàn tại London và New York đều trong xu hướng giảm do việc thắt chặt các biện pháp kích thích kinh tế và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London tiếp tục sụt giảm mạnh. Trong đó, giá càphê kỳ hạn giao ngay tháng 7/2022 giảm thêm 53 USD, xuống 2.083 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm thêm 52 USD, xuống còn 2.079 USD/tấn, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York cùng xu hướng giảm sâu. Giá càphê kỳ hạn giao ngay tháng 7/2022 giảm thêm 6,80 xu Mỹ, xuống 210,45 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm thêm 6,75 xu Mỹ, còn 210,45 xu Mỹ/lb. Khối lượng giao dịch cao trên mức trung bình.

Tại Việt Nam, giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 800-900 đồng, xuống dao dộng trong khung  40.200-40.700 đồng/kg.

Tỷ giá đồng reais của Brazil giảm xuống mức thấp hơn 1,5 tháng đã thúc đẩy người Brazil mạnh tay bán các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu do họ sẽ thu về được nhiều đồng nội tệ hơn.

Trong khi chỉ số đồng USD tiếp tục tăng khiến giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ làm giảm sức mua từ các thị trường mới nổi.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "Zero COVID" (Không COVID-19), khiến nguy cơ kinh tế suy thoái ngày càng tăng, điều này sẽ dẫn tới sức tiêu thụ toàn cầu sụt giảm là điều không thể tránh khỏi.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ sớm nâng lãi suất cơ bản đồng euro lên từ amức 0% hiện hành cũng góp phần thúc đẩy các giới đầu cơ tiếp tục thanh lý, cân đối vị thế ròng trên các thị trường càphê kỳ hạn.

Theo TTXVN