Vượt khó hoàn chỉnh tiêu chí huyện NTMNC
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM huyện Thoại Sơn Lê Văn Đà cho biết, năm 2023, Thoại Sơn phấn đấu trở thành huyện NTMNC. Trong đó, Định Thành và Vĩnh Trạch là 2 xã được chọn làm điểm nhấn xây dựng xã NTM kiểu mẫu về “tổ chức sản xuất” và “giáo dục”. Riêng Thoại Giang thực hiện mô hình xã NTM thông minh về chuyển đổi số trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, cải cách hành chính, an ninh trật tự. Đồng thời, nâng chất 3 thị trấn: Phú Hoà, Núi Sập và Óc Eo đạt chuẩn đô thị văn minh.
Tuy nhiên, hiện Thoại Sơn cũng đang gặp một số khó khăn về trình tự thủ tục trong quy hoạch cấp xã giai đoạn 2021-2030, còn 1 xã chưa có sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm), 13/14 xã đã thực hiện liên kết sản xuất bền vững nhưng chưa thật sự như mong muốn. Riêng trong lĩnh vực môi trường, Thoại Sơn đang gặp khó về phân loại rác thải tại nguồn so với mục tiêu đặt ra là đạt 70%, do cơ sở vật chất chưa đảm bảo.
Đối với tiêu chí cấp huyện còn 4 chỉ tiêu cần quan tâm về giáo dục, bởi chưa có trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, chợ vệ sinh an toàn thực phẩm (dự kiến hoàn chỉnh vào năm 2024) và nâng chất chợ huyện để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy. Riêng chất thải nguy hại trong lĩnh vực y tế đã được Xí nghiệp Môi trường đô thị Thoại Sơn phối hợp các trung tâm, trạm y tế thực hiện thu gom đạt 100%.
Nhà cửa khang trang, đường sá sạch đẹp là nét đặc trưng ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thoại Sơn.
“Đến cuối tháng 8 này, các xã sẽ hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị về huyện để ký xác nhận hoàn thành tiêu chí nâng cao giai đoạn 2021-2025. Sau đó, huyện sẽ phối hợp các sở, ngành, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tiến hành phúc tra công nhận đối với các xã đã duy trì tốt các tiêu chí đạt được. Song song đó, lập hồ sơ cấp huyện đề nghị sở ngành kiểm tra, hỗ trợ, thẩm định các tiêu chí xem đã đạt mức độ nào và sẽ có lộ trình kèm theo cam kết thực hiện một cách cụ thể.
Sau khi hoàn thành các bước này, chúng tôi sẽ tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân về quy trình xây dựng NTM với tỷ lệ đảm bảo đạt hơn 95%. Sau đó, hội đồng cấp huyện sẽ tiến hành bình xét và làm hồ sơ chuyển về Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cùng các sở ngành tham mưu UBND tỉnh An Giang kiểm tra, thẩm định lại và hoàn chỉnh hồ sơ gửi về Trung ương công nhận. Hướng phấn đầu là từ nay đến cuối năm, Thoại Sơn sẽ hoàn chỉnh các quy trình này để được công nhận là huyện NTMNC”- ông Đà chia sẻ.
Nâng cao thu nhập cho dân
Cũng theo Văn phòng Điều phối NTM huyện Thoại Sơn, tiêu chí về môi trường là rất khó thực hiện nếu không đảm bảo các điều kiện nguồn kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng cùng sự tự nguyện, tự giác của người dân và phải được thực hiện thường xuyên. Các xã và ban, ngành huyện đều đã xây dựng kế hoạch phối hợp Xí nghiệp Môi trường đô thị Thoại Sơn vận động người dân đóng góp chi phí để thực hiện thu gom rác thải theo quy định và một phần hỗ trợ từ các doanh nghiệp để duy trì hoạt động.
Nếu như năm 2020, Thoại Sơn chỉ đạt tỷ lệ thu gom rác thải khoảng 75% thì hiện còn số này đã lên đến hơn 95%. Ân tượng nhất vẫn là những tuyến đường kiểu mẫu không rác thải và sạch đẹp với những hàng rào hoa khoe sắc. Qua thời gian triển khai, sự phối hợp của các đơn vị chức năng và địa phương khá tốt, với nhiều chuyển biến tích cực. Rõ nét nhất là loại chất thải nguy hại, như: Bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật không còn nằm rải rác trên đồng ruộng hoặc dưới mương nước, dòng kênh.
Xe gác loại 500 kg cũng đã được Xí nghiệp Môi trường đô thị Thoại Sơn tăng cường hỗ trợ thu gom rác thải ở các xã có tuyến đường nhỏ hẹp.
Phó Chủ tịch UBND xã An Bình Lê Ngọc Lương cho biết, An Bình được công nhận xã NTM từ năm 2018, nhưng chỉ 2 năm sau đó đã trở thành xã NTMNC. An Bình cũng đang phấn đấu hoàn thành xã NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí mới vào năm 2024. Theo đó, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã An Bình phải chung tay thực hiện các nội dung quan trọng trong việc duy trì, nâng chất những kết quả đạt được; thu nhập bình quân đầu người phải cao hơn 10% so cùng thời kỳ được công nhận xã NTMNC; xây dựng ấp thông minh và hoàn thành mô hình chuyển đổi số về an ninh trật tự, văn hoá, giáo dục, y tế, du lịch, tổ chức sản xuất.
“Để tăng thu nhập cho người dân, An Bình đang thực hiện vận động chuyển đổi mô hình đối với diện tích đất lúa nhỏ lẻ sang trổng các loại cây ăn trái; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn theo điều kiện thời tiết và nhu cầu thị trường; cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn đầu tư tăng đàn bò; tăng vòng quay của đất từ 3 vụ màu lên 4 vụ/năm để tăng lợi nhuận trên từng diện tích đất. Đồng thời, phối hợp Xí nghiệp Môi trường đô thị Thoại Sơn cũng như vận động người dân tập kết bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở các đầu kênh để đơn vị chức năng này đến thu gom, đáp ứng yêu cầu của xã NTM kiểu mẫu”- Phó Chủ tịch UBND xã An Bình Lê Ngọc Lương chia sẻ.
Tất cả vì sự hài lòng của dân
Phó Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị Thoại Sơn Nguyễn Quốc Trí cho biết, luôn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương có nhu cầu mở rộng địa bàn thu gom rác để đạt các tiêu chí trong xây dựng NTM. Đồng thời, tiếp tục nâng chất những việc làm được, mang tính bền vững với quyết tâm vì sự hài lòng của người dân.
Ông Võ Hữu Đầy ở ấp Sơn Hiệp, xã An Bình phấn khởi, bộc bạch: “Bà con ở đây đều thấy được những lợi ích thiết thực nên đồng tình ủng hộ và sẵn sàng đóng góp những gì có được để cùng địa phương xây dựng NTM. Giờ thì điện, đường, trường, trạm đều đã có hết rồi nên khoẻ lắm. Từ chỗ đó mà khi địa phương phát động làm gì thì bà con đều xúm nhau bàn bạc, trao đổi nhau xem cái nào có lợi thì làm ngay.
Chúng tôi cũng đã ý thức rằng, môi trường nhiễm do rác thải sẽ gây ra bệnh hoạn hoặc ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của mọi người. Con đường không còn bọc nhựa, rác thải thì bà con tiến hành trồng hoa theo kiểu “nhà ai nấy trồng” để làm cho quê hương mình đẹp hơn”- ông Đầy bộc bạch.
|
Bài và ảnh: THÚY VÂN