Thời cơ và thử thách cho năm 2022

21/12/2021 - 05:52

 - Sau những khó khăn của năm 2021, năm 2022 càng có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021-2025). Tuy vẫn còn đó hàng loạt thách thức, nhưng nhiều cơ hội cũng mở ra, khi lợi thế về nông nghiệp quy mô tập trung, công nghiệp chế biến được phát huy; du lịch, thương mại, dịch vụ dần hồi phục.

Trong nguy có cơ

Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 2,15% được xem là cố gắng lớn trong một năm đầy thử thách như năm 2021. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng thấp xa so với kế hoạch (6 - 6,5%) và thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, áp lực tăng trưởng cho năm 2022 và những năm tiếp theo là rất lớn.

Những hạn chế khác của năm 2021 cũng sẽ tác động lớn đến năm 2022. Trong đó, công tác giải ngân vốn đầu tư còn chậm (một số dự án phải dừng thi công khi thực hiện giãn cách xã hội); hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) còn nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp (DN) giải thể, dừng hoạt động; đời sống tinh thần của người dân bị ảnh hưởng; hoạt động giáo dục có nhiều xáo trộn…

Đan xen với bức tranh màu tối của dịch COVID-19, cũng có những điểm sáng mới. Đối với An Giang, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh đang được nâng lên. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh và kết nối vùng đang ngày càng cải thiện, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương giữa An Giang với ĐBSCL và cả nước. Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch, khu vui chơi, giải trí của tỉnh tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện, góp phần tăng trưởng ngành du lịch và dịch vụ.

Đồng thời, những dự án lớn do các nhà đầu tư thực hiện được triển khai xây dựng, đưa vào vận hành sẽ tạo ra động lực, sức lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh. Ngoài ra, Chính phủ đang cải cách thể chế, sẽ ban hành các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN tham gia đầu tư, phát huy hiệu quả.

An Giang quyết tâm phục hồi kinh tế

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, năm 2022, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi KTXH sau đại dịch COVID-19. Trong đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ. Tỉnh sẽ tạo môi trường thuận lợi cho DN SXKD, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa; khai thác lợi thế so sánh của An Giang trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế.

Tỉnh cũng nỗ lực ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến. An Giang tập trung thúc đẩy chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Cùng với đó, thực hiện tốt chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới…

Quyết tâm mới

Trên cơ sở dự báo phục hồi kinh tế, UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 đạt 5,2% (gần gấp đôi mức tăng của năm 2021). Qua đó, nâng mức GRDP bình quân đầu người lên 52,66 triệu đồng/người/năm. Tỉnh cũng đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư xã hội 30.127 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 1,155 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế trên địa bàn 6.183 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 41%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 47,45%.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc tốt sức khỏe, nâng cao đời sống nhân dân, tỉnh đề ra chỉ tiêu năm 2022, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo (trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân) đạt 68%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1 - 1,2%; đạt 9,5 bác sĩ và 26,93 giường bệnh/10.000 dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế là 92%; có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 94%. Ngoài ra, tỷ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 40%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, tỉnh và các địa phương sẽ thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KTXH. Đồng thời, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, ngành ngay từ đầu năm 2022.

Để tạo động lực phát triển cho năm mới, tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch phục hồi và phát triển KTXH với 3 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là khôi phục, thúc đẩy SXKD, đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiệm vụ thứ hai là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Nhiệm vụ thứ ba là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển KTXH, giữ vững ổn định phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao động, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN