Mô hình trồng mít đã mang hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Chánh.
Trước khi “kết duyên” với cây mít, lúc đầu chỉ là vô tình nghe đài phát bài phát biểu của Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn trái miền Nam nói về tiềm năng và tương lai của cây mít. Từ đó, ông nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng trên mảnh đất bazan của mình đang canh tác rất phù hợp để phát triển cây mít.
“ Tôi quyết định trồng cây mít cũng là cuộc đấu trí chọn cây mít hay cây cao su trong gia đình. Sau khi quyết định tìm hiểu về cây mít, năm 2005, tôi quyết định chuyển gần 10 ha đất trồng cà phê, xen xà cừ sang trồng mít lá bàng”, ông Trần Minh Chánh kể lại.
Cùng lúc đó, quyết định trồng cây mít của ông lại không được vợ ủng hộ vì muốn trồng chuyên canh cây cao su. Theo ông Chánh, lúc đó để cho công bằng, hai vợ chồng ông thống nhất trồng cây mít xen với cây cao su. Sau 2 năm, vườn mít cho thu hoạch, vụ đầu tiên đã mang về nguồn thu nhập cho gia đình rất cao.
Trong khi đó, cao su vẫn đang trong quá trình chăm sóc ban đầu chưa có lãi, tốn chi phí. Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây mít đem lại rất nhanh hơn cây cao su, vợ ông Chánh đã đồng ý phá bỏ cao su để tập trung chăm sóc cho cây mít.
Chỉ hơn 2 năm, vườn mít của gia đình ông Chánh đã mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, sau khi vườn mít 10 ha mang lại lợi nhuận không nhỏ, khoảng 20.000 trụ hồ tiêu đang thời kỳ được giá cũng dần dần được thay bằng những gốc cây mít vì chi phí đầu tư thấp hơn. Đến nay, diện tích đất gia đình ông Chánh đã có 17 ha trồng mít; trong đó, có 13 ha mít lá bàng và 4 ha mít thái siêu sớm.
“Cây mít vốn đầu tư không nhiều, dễ trồng và dễ chăm sóc. Mỗi ha trồng cây mít khoảng 300 gốc. Ban đầu chi phí đầu tư 50 triệu đồng/ha, khoảng 2 năm sau bắt đầu cho thu hoạch. Với 17 ha, trong vụ mùa vừa qua, sau khi trừ chi phí, đem lại lợi nhuận cho gia đình ông hơn 1,5 tỷ đồng”, ông Chánh chia sẻ.
Với diện tích trên, vườn mít ông Chánh chỉ cần 3 người trông coi và chăm sóc. Bên cạnh đó, khi đến vụ thu hoạch ông chỉ cần gọi điện cho các thương lái đến hái tại vườn nên giảm được một khoản chi phí thuê nhân công. Nếu bán khoán cho thương lái thì giá trung bình khoảng 4.000 đồng/kg, còn bán chọn lọc trái có trọng lượng từ 12 kg trở lên thì được giá 7.000 đồng/kg. Đối với mít thái siêu sớm có giá trị cao hơn, thu nhập khoảng 250 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.
Mùa vụ năm nay, ông Chánh ước tính vườn mít thu khoảng 600 tấn, lợi nhuận sau trừ chi phí thu về gần 2 tỷ đồng. “Mít là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư không lớn và cũng dễ bán. Từ khi chuyển sang trồng mít đến nay, giá mít luôn dao động lên xuống theo từng thời kỳ, nhưng chưa có năm nào vườn cây mít nhà tôi bị lỗ cả. Với diện tích hiện có, mỗi năm vườn mít đem lại nguồn thu nhập cho gia đình hàng tỷ đồng sau khi trừ các khoản chi phí phân bón, công cán”, ông Chánh nói.
Đặc biệt, cách chăm sóc vườn cây mít của ông Chánh có sự khác biệt so với nhiều hộ dân ở địa phương. Cũng là trồng và chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học, nhưng ông Chánh chỉ sử dụng phân con gà để bón cho cây mít. Để có được một lượng phân gà lớn cho diện tích lớn, ông Chánh đã liên hệ với nhiều trang trại gà trên địa bàn tỉnh để đặt mua.
Theo ông Chánh, trong tất cả các loại phân chuồng thì phân gà là một trong những loại phân có chất lượng rất tốt. Bên cạnh đó, đất xung quanh các gốc mít luôn có rất nhiều cỏ để giữ độ ẩm cho đất và tạo đất mùn để các vi sinh vật, côn trùng sinh sống, đảm bảo cân bằng môi trường đất.Ngoài ra, để hạn chế sâu bệnh trên cây trồng, ông Chánh còn chủ động nuôi kiến vàng trong vườn mít…
Trước mô hình vườn mít mang lại hiệu quả của lão nông Trần Minh Chánh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh Lê Khắc Phú cho biết, trên địa bàn huyện Lộc Ninh có rất nhiều hộ gia đình trồng loại cây ăn trái này. Trong đó, ông Trần Minh Chánh là một trong những hộ nông dân trồng mít điển hình về quy mô, cách trồng lẫn chăm sóc đều có sự khác biệt.
Ông Chánh trồng theo hướng hữu cơ sinh học từ việc tạo môi trường dinh dưỡng cho đất đến nuôi kiến vàng phòng trừ sâu bệnh. Vì vậy, hiệu quả kinh tế mang lại cũng rất cao, mỗi năm đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng. Đây là cách làm hay, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cho các hội viên đến để học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình này.
Đây có thể xem mô hình hay của nhà nông vùng biên Bình Phước đã và mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Trong khi đó, vài năm trở lại đây, giá cả cây cao su, cây hồ tiêu, cây điều rất bấp bênh khiến nguồn thu của nhà nông giảm sút, đời sống gặp khó khăn. Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã khuyến cáo bà con nhân dân chuyển đổi cây trồng cho hợp lý, tránh chạy đua theo giá cả.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Phước cũng đã khuyến khích người dân trồng mít, sầu riêng, trái cây có múi...; khuyến khích nông dân chú trọng chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng hàng hóa, có hợp đồng với doanh nghiệp nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa đủ lớn, được chứng nhận VietGAP, hướng tới chứng nhận hữu cơ. Từ đó, tránh tình trạng người dân chuyển đổi tự phát, manh mún, nhỏ lẻ…dẫn đến hiệu quả không cao.
Theo Báo Tin Tức