Thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác

24/11/2021 - 06:29

 - Xây dựng kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX), không phải là mô hình mới, đang được nhiều nước phát triển thực hiện khá thành công. Phát triển KTTT là khuynh hướng tất yếu của nền kinh tế hiện đại, đặc biệt trong kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, cần thay đổi tư duy để hiểu đúng, làm đúng, phát triển KTTT mang tính bền vững, ổn định, lâu dài.

Hiệu quả bước đầu

Ngày 18-3-2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Sự ra đời của Nghị quyết 13-NQ/TW đã đánh dấu sự đổi mới và phát triển của KTTT, tạo tiền đề để cho ra đời Luật HTX năm 2003 với nhiều chính sách được ban hành, như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đất đai, tài chính - tín dụng, xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển HTX, áp dụng khoa học và công nghệ, tiếp thị và mở rộng thị trường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… Sau này, Luật HTX năm 2012 vẫn kế thừa và bổ sung thêm một số chính sách khác cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Hợp tác làm ăn theo mô hình hợp tác xã là xu hướng tất yếu

Ngay sau Nghị quyết 13-NQ/TW của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã cụ thể hóa bằng Chỉ thị 10-CT/TU, ngày 2-8-2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Sau khi ra đời Luật HTX năm 2003 (thay thế Luật HTX năm 1996), An Giang tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để phát triển khu vực KTTT, HTX theo hướng đổi mới, phát triển đúng bản chất và phù hợp với quy định pháp luật. Mới đây, tại Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29-6-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua về phát triển HTX, tổ hợp tác (THT) gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025.

Có thể nói, công tác phối hợp chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, cung cấp thông tin về triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW từng bước đi vào thực chất, có chiều sâu, nâng cao vai trò KTTT, HTX, giúp nông dân chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” để thích ứng với nền kinh tế thị trường và đồng thuận, hưởng ứng các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong phát triển KTTT, góp phần khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết 13-NQ/TW.

Giai đoạn 2001-2021, An Giang đã tổ chức hơn 180 lớp tuyên truyền, tập huấn với 15.000 lượt học viên, thành viên HTX, THT, nông dân tham dự. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% học phí cho cán bộ HTX đi học nâng cao trình độ từ bậc trung cấp trở lên để về làm việc cho HTX. Giai đoạn 2018-2020, An Giang thực hiện chủ trương thu hút nhân sự trẻ có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên về làm việc tại HTX.

Nhiều chính sách cho hợp tác xã

Thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 10 HTX xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với kinh phí thực hiện hơn 5,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nông thôn mới hỗ trợ gần 2 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của HTX. Nổi bật là dự án “Xây dựng mô hình sản xuất xoài 3 màu có quy mô 500ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm”. Dự án góp phần mở rộng diện tích HTX xoài VietGAP huyện Chợ Mới thêm 500ha, tổng kinh phí thực hiện gần 29,3 tỷ đồng (riêng nguồn sự nghiệp khoa học gần 2,7 tỷ đồng).

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ 4 HTX đầu tư kết cấu hạ tầng (HTX nông nghiệp An Bình, HTX nông nghiệp Phú An, HTX nông nghiệp Phú Thạnh và HTX nông nghiệp Vĩnh Bình) với số tiền gần 10,2 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hơn 5,7 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hơn 1,52 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của HTX). Giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến hỗ trợ thêm 10 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm HTX nông nghiệp.

Tỉnh đã dành nguồn kinh phí 4,16 tỷ đồng để thực hiện thí điểm mô hình đưa lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX nông nghiệp giai đoạn 2018-2020. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ triển khai nhiều chính sách nâng cao năng lực đội ngũ quản lý điều hành HTX; tiếp tục thực hiện hỗ trợ HTX trả lương cho nhân lực trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX nông nghiệp…

Giai đoạn 2016-2020, An Giang đã triển khai Dự án xây dựng và nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn” với tổng mức đầu tư gần 342 tỷ đồng. Nhìn chung, các liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị cơ bản đã được hình thành trên địa bàn tỉnh và có khả năng nhân rộng, đáp ứng điều kiện để được thụ hưởng các nội dung hỗ trợ về liên kết sản xuất theo Quyết định 30/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Dự kiến đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 836 THT với 17.012 thành viên. Tính đến ngày 30-9-2021, lũy kế toàn tỉnh có 255 HTX, liên hiệp HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực, trong đó có 244 HTX và 1 liên hiệp HTX đang hoạt động (chiếm 96%) và 10 HTX nông nghiệp yếu kém, ngưng hoạt động lâu ngày (chiếm 3,93%). Ước đến ngày 31-12-2021, tỉnh sẽ thành lập mới thêm 15 HTX (13 HTX nông nghiệp và 2 HTX phi nông nghiệp), nâng toàn tỉnh lên 270 HTX, liên hiệp HTX.

Đến nay, có khoảng 140.050 thành viên tham gia HTX, tăng hơn 10% so thời điểm cuối năm 2001. Doanh thu bình quân của một HTX là 5 tỷ đồng/năm (tăng 400% so với năm 2001), lợi nhuận bình quân 900 triệu đồng/năm (tăng 400%), thu nhập bình quân của thành viên từ 48-60 triệu đồng/năm. Hiện có 4.680 lao động làm việc thường xuyên trong HTX, liên hiệp HTX (tăng gần 400% so với năm 2013), thu nhập từ 2,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Liên kết sản xuất, phát triển đa dịch vụ, tự xây dựng thương hiệu sản phẩm… là khuynh hướng phát triển của nhiều HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh An Giang. Từ đó, tăng thêm lợi nhuận, lợi ích cho thành viên tham gia. Đó cũng là khuynh hướng tất yếu của nền kinh tế hiện đại.

Giai đoạn 2021-2025, An Giang thành lập mới trung bình 28-33 HTX/năm để đạt số lượng 380-400 HTX vào năm 2025 (hơn 70% hoạt động từ loại khá trở lên); phấn đấu xây dựng 2 liên hiệp HTX, trong đó có Liên hiệp HTX sản xuất và chế biến lúa gạo quy mô tỉnh để tham gia Liên hiệp HTX quy mô vùng ĐBSCL. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển thêm 100-120 HTX.

HOÀNG XUÂN