Thương mại nội địa nhiều khởi sắc

28/10/2022 - 14:32

 - Để duy trì và phát triển nền kinh tế trong tình hình mới, 9 tháng của năm 2022, ngành công thương tỉnh An Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) phục hồi, phát triển sản xuất và đạt nhiều kết quả quan trọng. Những kết quả nổi bật thời gian qua giúp tạo đà tăng trưởng kinh tế năm 2022 và 2023.

Từ đầu năm đến nay, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh diễn biến sôi động, với nhiều tín hiệu lạc quan. Do các tháng đầu năm 2022 là thời điểm trùng với dịp Tết, các lễ hội cấp quốc gia, địa phương… nên lượng du khách trong và ngoài tỉnh đến các điểm, khu du lịch trong tỉnh rất đông. Các DN tăng cường nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn với giá hợp lý, thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm nhiều hơn, nhất là tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm. Bên cạnh đó, ngành chức năng đã tổ chức tốt công tác lưu thông hàng hóa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân. Từ việc triển khai những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên tốc độ tăng trưởng lĩnh vực bán lẻ của tỉnh có nhiều tín hiệu khởi sắc, thể hiện sự phục hồi và phát triển sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

Chuyến xe lưu động đưa hàng Việt về nông thôn. Ảnh: H.C

Theo Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng của năm 2022, ước đạt 69.448 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ, tăng 7,77% so kịch bản tăng trưởng của tỉnh (64.438 tỷ đồng) và đạt trên 77,3% so kế hoạch năm 2022 (89.810 tỷ đồng). Trong đó, thương nghiệp (bán lẻ) tăng 14,52%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,69%; dịch vụ du lịch và các dịch vụ hỗ trợ tăng 57,18%; dịch vụ khác tăng 31,17%.

Để có được con số tăng trưởng ấn tượng trên, thời gian qua, ngành công thương An Giang đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm kích cầu mua sắm, tiêu dùng. Theo đó, Sở Công Thương đã hỗ trợ các DN phát triển các cửa hàng tiện lợi để kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nông sản an toàn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh các giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa cân đối, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Theo đánh giá của Sở Công Thương, tính đến thời điểm này, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh đảm bảo đủ cung ứng cho người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm, gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

Sở Công Thương còn tổ chức nhiều đoàn công tác đến làm việc với các DN về công tác chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường. Đồng thời, phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát nguồn hàng và giá hàng hóa thiết yếu tại các hệ thống siêu thị và chợ nhằm chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại… Đơn vị còn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở SXKD tại hệ thống các siêu thị, trung tâm mua sắm trên địa bàn tỉnh; thông tin đến các DN, cơ sở SXKD, tổ hợp tác, hợp tác xã về nhu cầu tìm nhà cung cấp của các đối tác nước ngoài và mời tham gia một số hoạt động giao thương trong và ngoài tỉnh…

Đặc biệt, trong 9 tháng của năm 2022, Sở Công Thương phối hợp các DN thực hiện được 74 chuyến bán hàng lưu động theo Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, với tổng doanh số trên 1,5 tỷ đồng và thu hút trên 54.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm… Bên cạnh đó, phối hợp triển khai các chương trình thanh toán không dùng tiền mặt tại các khu chợ, cây xăng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành công thương An Giang tiếp tục theo dõi thông tin diễn biến tình hình giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để kịp thời tham mưu UBND tỉnh các giải pháp hiệu quả, thiết thực, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Tiếp tục tăng cường đăng tải thông tin về tình hình thị trường hàng hóa, thông tin sản phẩm, các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, kết nối nông sản của tỉnh vào hệ thống các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh. Phối hợp các đơn vị liên quan mời gọi nhà đầu tư xây dựng các công trình phát triển hạ tầng thương mại, phát triển các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh để kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nông sản an toàn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân… Tăng cường phối hợp các cơ quan có liên quan triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, siêu thị, tạp hóa, quán ăn, quán cà-phê, hệ thống cửa hàng xăng, dầu….trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về nông thôn, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa… để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

ĐỨC TOÀN