Tìm hướng đi ổn định cho cây ăn trái

31/08/2023 - 05:33

 - Trên cùng đơn vị diện tích, cây ăn trái cho năng suất, sản lượng cao hơn, doanh thu và lợi nhuận lớn hơn một số loại cây trồng khác. Tuy nhiên, đầu tư vườn cây ăn trái đòi hỏi chi phí lớn, thời gian cho trái lâu hơn so với cây ngắn ngày. Do vậy, cần có chính sách ưu đãi về vốn, liên kết đầu ra ổn định với doanh nghiệp (DN) để nông dân mạnh dạn đầu tư.

Diện tích tăng nhanh

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang cho biết, đến nay, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt 19.545ha (chiếm 91,3% tổng diện tích cây lâu năm), tăng 786ha so cùng kỳ 2022; chủ lực vẫn là xoài 12.633ha, chuối 987ha, nhãn 495ha, mít 1.683ha, cây có múi 1.583ha (bưởi 514ha, cam 295ha, quýt 185ha, chanh 569ha)…

Tổng sản lượng cây ăn trái năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 266.057 tấn. Trong tổng diện tích 12.633ha xoài, diện tích đang cho trái 10.647ha, năng suất 21,2 tấn/ha, ước sản lượng 225.645 tấn. Với cây chuối, tổng diện tích 987ha (trồng mới 80ha, diện tích đang cho sản phẩm 750ha), tổng sản lượng 14.000 tấn. Đối với 495ha nhãn, diện tích cho trái 290ha, năng suất 8,9 tấn/ha.

Đối với cây có múi, phần lớn đang cho trái, năng suất 13 - 20 tấn/ha. Trong khi đó, với 750ha mít đang cho trái (trong tổng diện tích 1.683ha), năng suất 30 - 31,6 tấn/ha, ước sản lượng năm 2023 là 22.500 tấn. Ngoài ra, còn có 598ha sầu riêng (cho trái 99ha), năng suất 30 - 31 tấn/ha.

Ước tổng sản lượng cây ăn trái cho thu hoạch trong 8 tháng là 184.064 tấn, gồm: Xoài 116.606 tấn, mít 6.894 tấn, cây có múi 8.060 tấn, nhãn 1.397 tấn, chuối 7.168 tấn... Dự kiến 4 tháng cuối năm 2023, sản lượng đạt 147.389 tấn, thời gian thu hoạch tập trung từ tháng 9 đến cuối năm, cao điểm nhất tháng 11, 12. Trong đó, xoài khoảng 64.559 tấn (thu hoạch tập trung từ tháng 9 - 12); chuối 4.832 tấn (chuối cấy mô có hợp đồng tiêu thụ với DN xuất khẩu trái cây tại TP. Hồ Chí Minh); nhãn 804 tấn (thu hoạch tập trung đến tháng 10); cây có múi trên 4.332 tấn (bưởi 1.051 tấn, cam, quýt 2.546 tấn, chanh 826 tấn); mít 3.498 tấn.

Tăng cường liên kết

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, trong 19.545ha cây ăn trái, diện tích đang cho trái là 13.597ha. Theo đăng ký, có 8 DN xây dựng kế hoạch liên kết và tiêu thụ 2.180ha, đạt 16,4% diện tích cho trái. Thực tế, DN triển khai ký hợp đồng liên kết và tiêu thụ 2.288ha xoài, đạt gần 105% kế hoạch.

Cụ thể, Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan 350ha, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu 140ha (xoài Thái tại TP. Châu Đốc), Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp 200ha (huyện Chợ Mới 100ha, huyện An Phú 100ha), Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang 500ha (xoài keo tại huyện An Phú), Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời 200ha (xoài cát Hòa Lộc vỏ dầy), Công ty TNHH TMDV Ánh Dương Sao 31,3ha…

Đến nay, các DN thu mua được 923ha, đạt 40,3% diện tích hợp đồng, hiện đang tiếp tục thu mua. Với diện tích cây ăn trái còn lại, các vựa, thương lái thu gom, cung cấp cho DN theo kiểu cam kết. Ngoài ra, trái cây của tỉnh còn cung cấp cho Siêu thị Co.opmart, hệ thống Bách Hóa Xanh, Winmart, Siêu thị Mega Market Long Xuyên.

Ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục củng cố lại hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) làm đầu mối liên kết tiêu thụ cây ăn trái trên địa bàn tỉnh; phối hợp DN giải quyết đầu ra cho nhóm cây ăn trái trong mùa thu hoạch rộ. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ nhà vườn quản lý sâu bệnh, ứng dụng giải pháp tiến bộ trong sản xuất để tạo ra sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng cao, tăng thời gian bảo quản; đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng trên cây ăn trái, đảm bảo đủ điều kiện cung ứng sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước.

Tận dụng thời cơ

Theo ông Trương Kiến Thọ, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Thị trường cho sản phẩm hữu cơ trên thế giới ngày càng phát triển mạnh, được tiêu thụ chủ yếu ở Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... Trong đó, nhu cầu sản phẩm hữu cơ ở Hoa Kỳ tăng 20 - 30% hàng năm, mở ra hướng đi mới cho dòng sản phẩm cao cấp, tạo điều kiện để tỉnh phát triển vùng nguyên liệu trái cây đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Đến nay, An Giang đã hình thành vùng chuyên canh cây xoài với các giống xoài chủ lực là 3 màu, cát Hòa Lộc, xoài keo; có diện tích đạt chứng nhận VietGAP và cấp mã số vùng trồng. Tỉnh đã hình thành HTX, THT, hội làm vườn sản xuất trái cây, như: HTX Sản xuất GAP Bình Phước Xuân, HTX Trái cây GAP Chợ Mới (huyện Chợ Mới), chủ yếu sản xuất xoài 3 màu; HTX Nông nghiệp Long Bình (huyện An Phú), chủ yếu sản xuất xoài keo; HTX Bến Bà Chi (huyện Tri Tôn), Hội Làm vườn An Sơn Bảy Núi (TX. Tịnh Biên), chủ yếu sản xuất xoài cát Hòa Lộc.

Ngoài ra, còn có câu lạc bộ nông dân, quán cà-phê khuyến nông, hội quán… để nhà vườn trao đổi kinh nghiệm, tiến tới hình thành HTX ở các vùng trồng cây ăn trái, tạo đầu mối liên kết tiêu thụ bền vững với DN.

Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh, An Giang tập trung phát triển 4 nhóm cây ăn trái chủ lực, gồm: Xoài, chuối (chủ yếu chuối cấy mô), nhãn và cây có múi.

 

NGÔ CHUẨN