“Thủ phủ” heo của cả vùng
Nếu như trước đây, Tri Tôn từng được biết đến là địa phương có đàn bò lớn nhất tỉnh thì hiện nay, lợi thế đàn bò không còn nhiều bởi chăn nuôi nhỏ lẻ không có hiệu quả. Thay vào đó, huyện thu hút được những doanh nghiệp đầu tư vào trang trại nuôi heo quy mô lớn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn cho biết, hiện nay, Công ty TNHH DV TM XNK Hoàng Vĩnh Gia đang liên kết ổn định với Công ty Cổ phần CP Việt Nam duy trì trang trại heo quy mô 6.000 con heo thịt, xuất chuồng đều đặn.
Đối với Công ty TNHH Giống - Chăn nuôi Việt Thắng An Giang, các trang trại heo đã phát triển lên 9.116 con, trong đó có 1.012 con heo thịt, 6.320 heo nái sinh sản, 1.784 con heo giống cụ kỵ. Đây được xem là địa chỉ tin cậy cung cấp heo giống chất lượng cao cho An Giang cũng như vùng ĐBSCL. Sắp tới, khi Công ty Cổ phần CP Việt Nam mở chi nhánh tại An Giang, số trang trại liên kết nuôi heo an toàn sẽ tăng lên. Trong đó, Tri Tôn có nhiều lợi thế do quỹ đất rộng, có nhiều khu vực sản xuất xa khu dân cư, thuận lợi phát triển trang trại quy mô lớn.
Mặc dù ảnh hưởng lũ, nhưng năng suất và sản lượng lúa ở Tri Tôn vẫn tăng
Việc đẩy mạnh phát triển các trang trại heo đã đưa tổng đàn heo huyện Tri Tôn năm 2018 đạt 26.550 con, tăng 6,25% so cùng kỳ 2017 (tương đương 1.562 con). Đây là khuynh hướng tích cực trong bối cảnh người chăn nuôi trong tỉnh còn ngại tái đàn heo khiến lượng cung không đủ cầu, giá heo hơi liên tục tăng thời gian qua.
Cùng với phát triển đàn heo, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Tri Tôn tăng tích cực đạt 79,17ha, tăng 38,65% so cùng kỳ năm 2017 (tương đương 22,07ha), chủ yếu là nuôi cá. Số hộ nuôi lồng bè, bể, bồn, vèo cũng tăng khi đạt 90 cái, thể tích nuôi 1.440m3.
Phát huy lợi thế nông nghiệp
Năm 2018, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện Tri Tôn đạt 110.184ha, giảm 1,18% (1.320ha) so cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn 1,09% so kế hoạch (108.184ha). Trong đó, diện tích lúa đạt 106.307ha (kế hoạch 104.238ha), hoa màu đạt 3.877ha. Dù bị ảnh hưởng lũ, thời tiết nhưng nhìn chung, năng suất các loại cây trồng tăng nhẹ so năm 2017. Trong đó, năng suất lúa bình quân năm 2018 ước đạt 5,65 tấn/ha, sản lượng 600.635 tấn, tăng 3,8% (22.006 tấn) so năm trước.
Bên cạnh cây lúa, Tri Tôn còn khuyến khích phát triển các loại cây trồng khác có giá trị cao. Đến nay, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện đạt 1.018ha, tăng 196ha so năm 2017, gồm nhiều chủng loại như: xoài, chuối cấy mô, cây có múi, mãng cầu ta, dừa, bơ, sầu riêng, nhãn idor… Đồng thời, hình thành vùng trồng xoài VietGap 25ha tại xã Lê Trì. UBND tỉnh cũng đã công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vifaba của Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Vĩnh Phát. Song song đó, huyện đã phát triển được 108ha trồng dược liệu, gồm các loại: tần dày lá (22,5ha), đinh lăng (18,8ha), nghệ vàng (18,7ha), nhàu (18ha) cùng các loại thuốc quý như: sâm đất, thiềng liềng đen, đu đủ lấy mủ, sâm bố chính...
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Trần Văn Cường cho biết, nhằm phát huy lợi thế sản xuất lúa giống, các công ty, cơ sở, hộ nông dân đã đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, nâng diện tích sản xuất lúa giống đạt 3.505ha. Hiện nay, toàn huyện có 253 máy gặt đập liên hợp, 499 máy cày (xới), 16 máy cuộn rơm, 7 máy cấy, 62 máy xới tay, 195 máy sạ hàng… đáp ứng cơ giới hóa trên 95% diện tích.
Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã ứng dụng trang phẳng mặt ruộng bằng tia laser, góp phần cải tạo mặt ruộng, giảm chi phí trong tưới tiêu và phòng trừ cỏ dại. Từ đầu năm đến nay, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tri Tôn đã tổ chức 69 cuộc hội thảo về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hút 4.880 nông dân tham gia. Đồng thời, tổ chức 22 cuộc tập huấn khuyến nông tại các xã Châu Lăng, Lạc Quới, An Tức, Ô Lâm, Tân Tuyến với 720 nông dân tham dự; phối hợp với Công ty Antesco tổ chức vận động nông dân phát triển trồng cây đậu nành rau và bắp thu trái non. Các ngành chuyên môn còn thực hiện mô hình trình diễn các giống lúa triển vọng chất lượng cao ở ấp Tà Dung (xã Lương Phi), mô hình trình diễn hệ thống tưới nhỏ giọt hẹn giờ trên dưa leo, cà chua, mô hình chăn nuôi gà thả vườn kết hợp ứng dụng chế phẩm probiotic, mô hình nuôi cá rô đồng bán thâm canh trong ao đất sử dụng men vi sinh... Đây là những mô hình mới, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN