Trồng nấm rơm trong nhà kính

17/10/2023 - 06:16

Trồng nấm rơm trong nhà kính
Với sự phát triển của khoa học - công nghệ, việc trồng nấm rơm trong nhà kính ngày càng trở nên phổ biến, đem lại nhiều lợi ích cho hộ dân. Đối với mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính điều tiết nhiệt độ bằng lò xông hơi, do anh Hồ Thanh Tâm (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) thực hiện là hướng đi khá mới mẻ. Phương pháp này giúp giảm chi phí đầu tư, năng suất ổn định, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn.

Phương pháp canh tác mới

Anh Hồ Thanh Tâm cho biết, nghề trồng nấm rơm được nông dân thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, nông dân chủ yếu áp dụng phương pháp truyền thống là trồng nấm ngoài trời. Trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết thay đổi bất thường thì việc trồng nấm rơm truyền thống bị ảnh hưởng rất lớn, tình hình dịch hại tăng lên. Bên cạnh đó, trồng nấm rơm ngoài trời phải thực hiện cách ly giữa các vụ để hạn chế dịch bệnh. Thời gian cách ly thường khá lâu, từ 6 - 12 tháng nên ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nấm…

Những năm gần đây, nguồn nguyên liệu bông vải được người dân quan tâm sử dụng trồng nấm rơm do nguồn dinh dưỡng trong nguyên liệu cao, cung cấp cho nấm rơm phát triển. Ngoài ra, việc xử lý nguyên liệu bằng lò xông hơi đảm bảo tiệt trùng, điều tiết nhiệt độ thích hợp cho tơ nấm phát triển tối ưu và mang lại năng suất cao…

Từ những thực tế trên, anh Tâm đã thực hiện ý tưởng trồng nấm rơm trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sử dụng lò hơi để điều tiết môi trường. Sau thời gian thí điểm, anh Tâm đánh giá mô hình phù hợp điều kiện canh tác của nông dân tỉnh An Giang.

Trồng nấm rơm trong nhà kính điều tiết nhiệt độ bằng lò xông hơi mở ra hướng đi mới cho nông dân

Thực hiện mô hình, anh Tâm xây dựng nhà trồng với diện tích 60m2, được chia thành 6 nhà trồng. Nền nhà được tráng xi-măng, bề mặt nền nhà trồng được tráng thêm một lớp xi-măng dầu, tạo bề mặt bóng loáng. Xung quanh nền nhà xây lên 1 lớp gạch dưới chân, 1 lớp bạt đen, 1 lớp xốp cách nhiệt, 1 lớp bạc nhựa trong. Xây nền theo mặt nghiêng để thoát nước, tránh trường hợp nước tràn lan xung quanh nhà trồng.

Ngoài ra, mái nhà lợp bằng tole. Đỉnh nhà trồng hở khoảng 10cm giữa 2 tấm tole để thoáng khí, tạo lượng ô-xy đối lưu trong nhà trồng. Vách nhà sử dụng bạt cao su bao quanh, bên trong dùng 1 lớp xốp cách nhiệt và 1 lớp cao su ốp sát với vách nhà nhằm tạo lớp cách nhiệt và làm mát khi nhiệt độ môi trường cao…

Đặc biệt, nhà trồng nấm còn có hệ thống xông hơi bằng lò xông nhằm điều tiết nhiệt độ nhà trồng, tăng ẩm độ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm rơm phát triển, thanh trùng môi trường và nguyên liệu.

Anh Tâm cho biết, số 6 nhà nấm mỗi đợt cần khoảng 1 tấn nguyên liệu, trong đó có 40kg meo nấm, còn lại là bông vải. Quy trình xử lý meo và bông vải qua nhiều bước. Trước hết, anh Tâm pha nước vôi, cho vào lò xông khoảng 25 phút để xông nhà trồng, trung bình sử dụng 1,5kg vôi đá cho 300 lít nước.

Sau khi đã xông nhà trồng, tiến hành cho bông vải vào máy trộn nguyên liệu. Bông vải được đánh tơi ra rồi chất lên từng kệ, kích thước mô cao 10cm, rộng 60cm. Sau đó, tiến hành rải đều meo nấm lên mô. Hàng ngày, kiểm tra nhiệt độ, ẩm độ và điều chỉnh cho thích hợp. Việc điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm được thực hiện bằng hệ thống tưới phun, điều khiển bằng điện thoại di động nên không tốn nhiều công sức.

Hiệu quả kinh tế khả quan

Với cách làm này, 5 ngày sau khi chất mô sẽ tiến hành phun sương. Đến ngày thứ 10 có thể thu hoạch nấm. Sau khi thu hoạch xong đợt 1, tiến hành vệ sinh nhà trồng bằng cách thu gom cơ chất ra khỏi nhà trồng, mở cửa cho thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ nơi trồng. Để trống khoảng 5 ngày bắt đầu lại vụ thứ 2.

“Năng suất nấm rơm trên cơ chất bông vải đạt từ 15 - 20% (15 - 20kg nấm/100kg nguyên liệu) cao hơn so trồng trên rơm rạ chỉ đạt từ 7 - 10%”. Với phương pháp canh tác này, mỗi nhà trồng nấm thu lợi nhuận từ 2 - 2,5 triệu đồng/đợt, qua đó, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hộ trồng nấm. Đồng thời, có thể tận dụng phụ phẩm trồng nấm để cải tạo đất, tăng độ xốp và dinh dưỡng thiết yếu cho vườn cây ăn trái, hạn chế được ô nhiễm môi trường” - anh Tâm chia sẻ.

Theo đánh giá, việc trồng nấm rơm trong nhà kính điều tiết nhiệt độ bằng lò xông hơi có nhiều ưu điểm so truyền thống. Nếu trước đây, việc ủ nấm rơm ngoài môi trường, người nông dân khó kiểm soát được nắng, mưa. Khi thời tiết không thuận lợi thì năng suất nấm sẽ thấp, còn khi đưa vào trong nhà kính có thể điều khiển được nhiệt độ, ẩm độ… tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển, năng suất cao. Ngoài ra, nổi bật của mô hình này là trên cùng đơn vị diện tích có thể làm nhiều tầng để ủ rơm, góp phần tăng năng suất so với ở ngoài, từ đó hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hiệu quả bước đầu mang lại cho thấy, mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính điều tiết nhiệt độ bằng lò xông hơi là hướng đi mới cho người dân trên địa bàn huyện, vì dễ chăm sóc, dễ thu hoạch, thuận lợi trong khâu vệ sinh trại, chất lượng sản phẩm nấm rơm trong nhà tăng, dễ bán hơn và giá bán cao hơn...

Ngoài ra, trồng nấm rơm sử dụng nguyên liệu rơm phối trộn bông vải sẽ giúp người trồng có nhiều sự lựa chọn trong việc sử dụng các nguyên liệu, phụ phẩm nông nghiệp khác ngoài rơm…

ĐỨC TOÀN