TX. Tân Châu đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp

09/10/2024 - 07:20

 - Những năm qua, TX. Tân Châu đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp. Các hình thức được chọn để chuyển đổi cơ cấu, gồm: Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; áp dụng công nghệ; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh liên kết, liên doanh trong sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, đa dạng hóa sản xuất, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập của nông dân…

Nông dân áp dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng để sản xuất cây giống

Để thực hiện chuyển đổi, Tân Châu đã tổ chức quy hoạch lại các vùng sản xuất cho phù hợp với điều kiện sản xuất, nguyện vọng của Nhân dân, phù hợp với thị trường. “Trong quy hoạch lại các vùng sản xuất, thị xã thực hiện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Trong đó, gắn khâu tiêu thụ với sản xuất, đẩy mạnh phát triển phong trào kinh tế tập thể để nâng cao hiệu quả cho nông hộ sau mỗi mùa vụ thu hoạch...” - Phó Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Lê Trọng Oanh chia sẻ.

Tổng diện tích đất sản xuất hiện có của TX. Tân Châu là 12.640ha, trong đó diện tích trồng lúa 9.950ha, hoa màu 1.290ha, cây ăn trái 1.400ha. Riêng vùng bờ bao Phú Lộc - Vĩnh Xương, nông dân đã chuyển 600ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Với diện tích sản xuất này, thị xã đã quy hoạch 8 tiểu vùng với chu kỳ sản xuất 2 năm 5 vụ. Những tiểu vùng này đều chủ động được tưới, tiêu và liên kết tiêu thụ. Diện tích đất sản xuất ở 8 tiểu vùng đê bao khép kín là 10.920ha. Ngoài 8 tiểu vùng này, số diện tích sản xuất ngoài đê bao, thị xã quy hoạch thành 6 vùng với 1.720ha. “Để thực hiện quy hoạch các tiểu vùng sản xuất, thị xã đều tổ chức họp dân, lấy ý kiến thực hiện quy hoạch. Cụ thể, vùng nào trồng cây gì, nuôi con gì, bà con phải thông suốt, cùng nhau trao đổi, bàn bạc để thống nhất, thực hiện đồng loạt. Tổ chức liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm…” - ông Oanh phân tích.

Trong quy hoạch từng tiểu vùng, chính quyền địa phương định hướng, tạo điều kiện, đồng hành với nông dân và doanh nghiệp. Chính cách làm đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn từng bước phát triển rất tốt, đời sống nông hộ được cải thiện đáng kể. Đến thời điểm này, trên lĩnh vực trồng trọt, cây trồng chủ lực được nông dân lựa chọn thực hiện là lúa chất lượng cao, hoa màu và cây ăn trái. Ở lĩnh vực thủy sản, nông dân chọn nuôi cá tra giống, lươn, cá chình, ếch và các mặt hàng cá chợ, tiêu thụ tại thị trường nội địa và bán sang Campuchia. “Có thể khẳng định, đời sống nông dân ở thị xã có được như ngày hôm nay nhờ vào sự định hướng của Nhà nước, sự đồng thuận của Nhân dân trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mà hình thức được chọn để chuyển đổi gồm: Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các công nghệ mới vào nông nghiệp” - bà Trần Thị Lan (xã Phú Vĩnh) khẳng định.

Để tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thị xã từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất. Hàng năm, thị xã có kế hoạch gia cố đê bao, xây mới hệ thống cống. Chiều dài 178km đê bao, thị xã quy hoạch thành 36 tuyến đê bao bảo vệ sản xuất. Trong vùng đê bao, đã xây dựng 11 cống hộp, 65 cống tròn (các loại), 82 trạm bơm điện phục vụ tưới, 28 trạm bơm điện phục vụ tiêu úng, bảo vệ 11.083ha chủ động sản xuất 2 năm 5 vụ. “Nhờ có hệ thống đê bao hoàn chỉnh, nông dân trên địa bàn chủ động được sản xuất, xã lũ theo định hướng 2 năm 5 vụ. Đời sống nông dân không ngừng nâng lên, chúng tôi rất phấn khởi” - bà Lan chia sẻ thêm.

Định hướng trong thời gian tới, TX. Tân Châu tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng giảm diện tích đất lúa hợp lý, đẩy mạnh phát triển rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, thông qua việc phát huy nội lực của nông dân, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Phát triển mạnh các loại hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo chuỗi liên kết nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp. Tập trung nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất, cải thiện mức sống và tăng thu nhập của nông dân, gắn với xây dựng nông thôn mới…

“Đến nay, thị xã vẫn xác định, nông nghiệp là “trụ đỡ”, là mặt trận hàng đầu” trong phát triển kinh tế. Thị xã đã tiến hành quy hoạch lại các vùng sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Lấy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm nền tảng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống nông hộ” - Phó Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Lê Trọng Oanh chia sẻ.

MINH HIỂN