WB nêu bật các yếu tố tác động đến tăng trưởng của Việt Nam

26/02/2021 - 18:51

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tiến độ kiểm soát dịch COVID-19, cũng như tình hình triển khai vaccine ở trong và ngoài nước.


Sản xuất tại Công ty TNHH NMS Việt Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Trong Báo cáo giám sát vĩ mô Việt Nam, WB cho biết thặng dư thương mại hàng hóa sơ bộ của Việt Nam trong tháng 1 ước đạt 1,1 tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tháng 1 tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020 - mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa lần lượt tăng 51,8% và 41,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh vào năm 2020, trong khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tăng mạnh trở lại. Trong khi đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc, ASEAN và Mỹ cũng trên đà tăng, tương tự như thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và EU.

Trong tháng đầu tiên của năm 2021, Chính phủ Việt Nam chi ngân sách tổng cộng 99.600 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư công đạt 15.000 tỷ đồng, với tỷ lệ giải ngân đạt 3,25%. Theo WB, trong khi nền kinh tế Việt Nam đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng COVID-19, kết quả sơ bộ từ cuộc khảo sát vào tháng 1 của WB cho thấy gần 1/2 số hộ gia đình được thăm dò vẫn có mức thu nhập thấp hơn năm trước. Khoảng 9% hộ gia đình phải đi vay và 15% cắt giảm chi tiêu. 

WB đánh giá viễn cảnh tăng trưởng của năm 2021 sẽ phụ thuộc vào việc cơ quan chức năng kiểm soát đợt dịch mới bùng phát tốt và nhanh như thế nào, cũng như thời gian triển khai tiêm chủng vaccine trong nước và trên thế giới. Nếu khủng hoảng tiếp tục kéo dài, chính phủ có thể cần cân nhắc hỗ trợ nền kinh tế thêm bằng các biện pháp tài chính và tiền tệ.

WB cho rằng Việt Nam cũng cần quan tâm theo dõi đặc biệt tới dư địa tài khóa, sức khỏe của khu vực tài chính và những tác động xã hội tiềm tàng vì mất thu nhập kéo dài ở một số hộ gia đình có thể dẫn đến tình trạng bất bình đẳng.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

 

Liên kết hữu ích