Cần tìm đầu ra ổn định cho xoài trên đất cù lao Chợ Mới

19/12/2018 - 09:07

 - Năm 2018, huyện Chợ Mới tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án số 2860/ĐA-UBND của UBND huyện về chuyển dịch cơ cấu cây trồng huyện Chợ Mới giai đoạn 2014-2020 và Kế hoạch số 1286/KH-UBND triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Chợ Mới giai đoạn 2015-2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Điển hình là 3 xã cù lao Giêng (xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân) đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây ăn trái, chủ yếu là xoài 3 màu cho hiệu quả kinh tế cao.

Thu mua xoài tại vựa

Tổng diện tích xoài toàn huyện đạt 5.707ha, trong đó diện tích trồng xoài ở 3 xã cù lao Giêng 4.119ha, chiếm 72,2% so tổng diện tích trồng xoài toàn huyện. Xoài thu hoạch 2 vụ/năm, sản lượng thu hoạch trung bình đạt 15 tấn/ha. Tổng sản lượng 85.605 tấn/năm, riêng 127,3ha xoài 3 màu đã được chứng nhận VietGAP cho sản lượng 1.910 tấn/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Vũ Minh Thao cho biết: “Chợ Mới là một trong những địa phương đi đầu phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, từ việc 7,5ha/9 hộ sản xuất xoài xã Bình Phước Xuân (thành viên Hợp tác xã sản xuất GAP Bình Phước Xuân) được cấp giấy chứng nhận VietGAP năm 2015, sau thời gian phát triển và nhân rộng, đến năm 2017 đã có 127,3ha diện tích xoài được công nhận đạt chuẩn VietGAP với 137 hộ tham gia”. Huyện Chợ Mới đang khẩn trương nhân rộng thêm 500ha xoài đạt chuẩn VietGAP ở 3 xã cù lao Giêng (lộ trình thực hiện từ tháng 3-2018 đến hết 2-2020), nâng tổng diện tích trồng xoài được công nhận đạt chuẩn VietGAP là 627,3ha, chiếm 11% diện tích xoài của huyện.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện đang triển khai thực hiện 3 dự án sản xuất xoài ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt với tổng diện tích 540ha ở 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân (tiến độ thực hiện các dự án đến nay đạt 90%). Đồng thời, đang triển khai hỗ trợ thêm hệ thống tưới nhỏ giọt đến vườn của người dân, với diện tích 200ha ở 3 xã trên (kinh phí tỉnh hỗ trợ 50% và người dân tham gia 50%); hiện có 128,45ha/200ha người dân đã tham gia. Sau khi dự án được hoàn thành sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người dân và địa phương như: giảm chi phí tưới, có thể bón phân tự động, hạn chế cỏ dại, tiết kiệm công lao động nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất cây xoài, hướng tới xuất khẩu, tăng thu nhập cho người sản xuất và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở thu mua. Đặc biệt, hình thành vùng nguyên liệu ứng dụng hệ thống tưới công nghệ cao, tiến tới quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn huyện.

Thị trường tiêu thụ xoài hiện nay chủ yếu là thị trường Trung Quốc (chiếm 80%), còn lại là thị trường trong nước, bán cho thương lái trong tỉnh (5%) và các tỉnh ĐBSCL (15%). Toàn huyện đã hình thành hơn 36 vựa thu mua xoài (chủ yếu tập trung ở 3 xã cù lao Giêng) và 2 hợp tác xã sản xuất GAP Bình Phước Xuân, hợp tác xã trái cây GAP Chợ Mới.

Để tạo điều kiện cho việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài giữa doanh nghiệp và người dân, Huyện ủy, UBND huyện cùng các ban, ngành đã hỗ trợ kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nguồn nguyên liệu trên địa bàn. Đến nay, đã kêu gọi được Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu tiêu thụ sản phẩm xoài VietGAP và đã thực hiện xuất khẩu được 2,4 tấn sang thị trường Hàn Quốc (năm 2016), 5,4 tấn xoài vào thị trường Úc (năm 2018). Hiện tại, Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (Bến Tre) đang tiến hành thu mua xoài VietGAP 3 xã cù lao để xuất sang thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, còn thu hút Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong (Bến Tre) đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm xoài Cát Chu (ở tiểu vùng 3, xã An Thạnh Trung) với diện tích 150ha, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của huyện.

Việc xuất khẩu xoài đã mang đến sự phấn khởi cho người dân, kích thích tâm lý sản xuất theo hướng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhằm tăng lợi nhuận cho người dân. Hiện nay, bên cạnh vận động người dân sản xuất sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường, cần đặc biệt quan tâm công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra ổn định để nông dân yên tâm sản xuất và nâng cao giá trị nông sản.

“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành kêu gọi các doanh nghiệp, công ty tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm xoài VietGAP, nhằm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản và các nước Châu Âu”- ông Thao cho biết.


Bài, ảnh: HẠNH CHÂU