Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

24/06/2019 - 08:18

 - Từ hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) cho thấy, việc thiết lập mạng lưới tổ chức và phát triển hoạt động TGPL (với tính chất là một dịch vụ) là chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp với nguyện vọng của người dân, tạo cơ chế TGPL miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho các đối tượng được trợ giúp. Tại Tòa án nhân dân TP. Châu Đốc, hoạt động trên đã được đẩy mạnh thực hiện hiệu quả.

Trên cơ sở Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, đến nay mạng lưới cơ quan TGPL của nhà nước và các tổ chức tham gia thực hiện TGPL dần được củng cố, kiện toàn về mọi mặt. Thời gian qua, đơn vị đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, lãnh đạo tòa án đã triển khai đến toàn thể công chức và người lao động trong đơn vị, yêu cầu thực hiện nghiêm túc các nội dung trong kế hoạch liên ngành để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, bị cáo, người bị hại thuộc đối tượng được TGPL theo quy định của pháp luật về TGPL; niêm yết công khai bảng thông tin về TGPL tại phòng tiếp dân để cung cấp thông tin cho đương sự, bị cáo và người thân của họ biết để TGPL. Trong thực hiện nhiệm vụ, công chức và người lao động đều giải thích cho đương sự về quyền và nghĩa vụ được yêu cầu TGPL theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt việc cấp giấy xác nhận tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý khi có quyết định cử người tham gia tố tụng và cung cấp đầy đủ các bản sao văn bản tố tụng cho người thực hiện TGPL khi có yêu cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của đại diện hợp pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự; xác nhận đầy đủ thời gian của trợ giúp viên làm việc tại tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL tiếp xúc với người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

Tòa án nhân dân TP. Châu Đốc nhận Bằng khen UBND tỉnh về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

Qua tổng kết hoạt động xét xử cho thấy, kỹ năng tranh tụng của các vị luật sư trợ giúp viên pháp lý tương đối đồng đều, vai trò của luật sư cộng tác viên tại phiên tòa đã giúp tòa án xét xử công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Không ít phiên tòa thông qua phần xét hỏi hoặc tranh tụng của luật sư cộng tác viên làm sáng tỏ nhiều tình tiết có thể làm thay đổi nội dung vụ án, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người chưa thành niên phạm tội trước pháp luật. Từ đó, các bản án, các quyết định của tòa án được ban hành đúng pháp luật, khách quan, dân chủ, thấu tình đạt lý, có tính thuyết phục cao. Đây là những kết quả đáng ghi nhận trong công tác TGPL thời gian qua.

Trong mô hình tổ chức và hoạt động TGPL hiện nay vẫn còn vài hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ TGPL và tính ổn định của hoạt động này, như: thực tiễn hoạt động trợ giúp viên pháp lý chưa thực sự chuyên nghiệp trong tham gia tố tụng. Người dân vẫn chưa quen với chức danh này, nhiều trường hợp chưa thật sự tin tưởng sử dụng dịch vụ của trợ giúp viên pháp lý, mà ưu tiên sử dụng dịch vụ của luật sư. Cụ thể, năm 2018, đơn vị đã thụ lý 1.154 vụ việc án các loại, đã giải quyết 1.085 vụ việc, trong đó chỉ có 6 vụ hình sự có sự tham gia trợ giúp viên pháp lý được chỉ định (do người phạm tội dưới 18 tuổi) là quá ít so với lượng án giải quyết tại đơn vị. Đồng thời, không có vụ án dân sự nào có sự trợ giúp viên pháp lý tham gia. Tuy trợ giúp viên pháp lý thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh và kỹ năng tham gia tranh tụng cao tại các phiên tòa nhưng trợ giúp viên pháp lý cũng cần phải nghiên cứu nhiều văn bản pháp luật có liên quan để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người được TGPL một cách tốt hơn sao cho đúng theo tinh thần cải cách tư pháp.

Để thực hiện tốt hơn các quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng trong thời gian tới, Chánh án Tòa án nhân dân TP. Châu Đốc Nguyễn Quang Chân khẳng định: “Cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật sâu rộng trong nhân dân để họ có điều kiện tiếp cận và được quyền TGPL khi có đủ điều kiện; cần đầu tư, quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ người thực hiện TGPL. Từ đó, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng, trật tự an toàn xã hội”.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG