Dấu ấn Ba Thê

11/05/2018 - 05:56

 - Nằm giữa vùng đồng bằng Tứ giác Long Xuyên trù phú với thảm lúa xanh bạt ngàn xa tít tầm mắt, ngọn núi Ba Thê (Thoại Sơn) mọc lên như một nét chấm phá độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất An Giang - nơi gắn liền với những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước. Non nước hữu tình cùng những hiện vật của nền văn hóa Óc Eo và những câu chuyện huyền bí đã tạo nên sức hấp dẫn cho vùng núi Ba Thê.

Ngọn núi của những truyền thuyết

Núi Ba Thê gắn liền với nhiều huyền thoại ly kỳ, hấp dẫn được lưu truyền đến tận ngày nay. Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí”, tên gốc của núi Ba Thê là “Hoa Thê sơn”. Núi có 3 chóp đứng, có nhiều cây cổ thụ xanh tươi tỏa bóng mát. Vào thời Vua Minh Mạng, do “kỵ húy” tên bà Hoàng hậu Hồ Thị Hoa nên “Hoa Thê sơn” được đổi thành “Ba Thê sơn”.

Có người kể rằng: ngày xưa, tất cả các núi này đều là vàng, do các chúa đất cai quản. Họ ép những người nông dân làm ruộng ở đây về làm nghề kim hoàn để chế tác ra các loại trang sức, vật dụng bằng vàng phục vụ cuộc sống vương giả của mình. Khi những người chồng bị chúa đất bắt đi làm thợ kim hoàn cũng là lúc gia đình bị chia cắt, vợ không gặp chồng, con chẳng được gặp cha. Nỗi ai oán thấu đến tận trời xanh. Ngọc Hoàng biết được chuyện này rất tức giận, bèn trừng phạt các vị chúa đất phải tuyệt tự suốt đời (không có con nối dõi). Đồng thời, biến tất cả các ngọn núi bằng vàng này thành những núi đá.

Từ đó, những người thợ kim hoàn được giải thoát, họ rất vui mừng, đem tất cả các hiện vật bằng vàng chế tác được rải khắp cánh đồng trong vùng… Có lẽ vì thế mà từ khi phát hiện ra di chỉ văn hóa Óc Eo, người dân trong vùng khi làm ruộng hoặc đào kênh mương thỉnh thoảng tìm được những vật dụng bằng vàng còn sót lại qua hàng ngàn năm…

một câu chuyện khác, có người còn gọi núi này là núi “Vọng Thê”. Tương truyền xưa kia, có một người lên núi tìm tu, xa lánh chốn hồng trần. Nhưng vì lòng trần chưa dứt, còn quyến luyến chuyện đời nên ông cứ chiều chiều lại mong ngóng về phương xa với nỗi nhớ nhà, nhớ vợ. Sau đó, ông chết đi... Người ta cho rằng vị sư kia đã hóa đá, giống như chuyện “Hòn Vọng Phu”, nên gọi là núi “Vọng Thê”. Có lẽ vì thế mà ngày nay Thoại Sơn còn có địa danh Vọng Thê!

Dấu ấn Ba Thê

Thạch Đại Đao trên đỉnh núi Ba Thê.

Dấu ấn Ba Thê

Vẻ uy nghiêm, trầm mặc của Linh Sơn Cổ Tự.   

Địa chỉ du lịch

Rất vất vả và nguy hiểm khi chúng tôi quyết định “đăng sơn” lên núi Ba Thê với độ cao trên 220m có rất nhiều đồi dốc quanh co, trơn trợt, gấp khúc. Một bên là vách núi đá, còn bên kia là vực sâu thăm thẳm khiến nhiều người ái ngại khi di chuyển bằng xe gắn máy.

Nhiều người “cảnh báo” rằng: “Muốn chạy xe lên thì xe phải là xe số hoặc xe số gắn nhông dĩa mới lên nổi. Để cho an toàn, tốt nhất là đi bộ, vừa ngắm cảnh sơn cước, vừa luyện tập thể dục”. Vậy là, tôi quyết định “cuốc bộ” một chuyến lên núi Ba Thê để hiểu hơn về cảnh vật và những cấu trúc tâm linh trên “nóc nhà” của vùng đất Thoại.     

Nét độc đáo của Óc Eo là mỗi một nơi nào trên mảnh đất này là địa chỉ khảo cổ, là dấu ấn của nền văn hóa cổ. Ba Thê là tên dãy núi có 3 đỉnh thuộc thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn). Trong đó, đỉnh phía bắc cao 221m, đỉnh phía nam cao 161m và đỉnh cao nhất ở giữa là 226m.Về phía tây bắc có quả núi thấp (chỉ cao 42m) được gọi núi Nhỏ, liền mạch với núi Ba Thê. Về phía nam, mạch đá ngầm dưới chân núi Ba Thê phát triển về hướng nam, tây nam và trồi lên cao hơn mặt đất khoảng 3,6m tại địa điểm Giồng Xoài và nhô lên khoảng 0,4m tại địa điểm Đá Nổi. Nếu tính từ rìa phía bắc của núi Nhỏ đến điểm núi nhô ra ở mạn nam tại Giồng Xoài thì chiều dài núi Nhỏ - Ba Thê theo hướng bắc - nam khoảng 10km và chiều rộng nhất theo hướng đông - tây khoảng 3-4km, với tổng diện tích khoảng 30-40km2.          

Ba Thê là dãy núi rộng lớn nhất, cao nhất và đồ sộ nhất nằm vị trí trung tâm “Tứ giác Long Xuyên”. Nơi này tạo nên cảnh sắc thiên nhiên với núi non hùng vĩ, với rừng cây dày đặc một màu xanh biếc. Ba Thê có địa hình cao thoáng, có nguồn nước ngọt từ các mạch từ núi đá chảy ra róc rách quanh năm, tạo nguồn sống cho vạn vật…

Vì thế mà người ta cho rằng, Ba Thê là nơi có vị trí địa lý tự nhiên, có nguồn lợi thiên nhiên phong phú hiếm thấy của vùng. Chính vì thế mà nơi này là điểm đến và là nơi hội tụ của nhiều lớp cư dân từ buổi sơ khai cho đến ngày hôm nay.

Trên đỉnh Vọng Thê có ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự. Trước sân chùa có tượng Phật Quan Thế Âm bồ tát cao khoảng 8m. Ở trên đỉnh núi mây bay chập chờn mang hơi sương mát lạnh, cỏ cây xanh tốt ngút ngàn. Trong không gian khoáng đạt, mây bay lãng đãng, thỉnh thoảng ngân vang tiếng chuông chùa vọng đưa… làm cho cảnh vật thêm huyền bí.

Cạnh ngôi tháp xá lợi cổ bên chùa, có tấm bia ghi lại chiến công oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: “Nơi đây, ngày 6-5-1968, Đội biệt động Ba Thê do đội trưởng Nguyễn Văn Muôn chỉ huy đã dũng cảm, mưu trí tiêu diệt 29 tên địch đóng đồn Hoa Thê sơn”.

Đặc biệt, đêm 11-3-1975, Trung đoàn 101 và Tiểu đoàn A.12 tỉnh Long Châu Hà tập kích Ba Thê lần 2, diệt 1 trung đội dân vệ ở núi Chóc, đánh rã đại đội bảo an đóng dã ngoại cầu sắt Huệ Đức và diệt trung đội bảo an chốt giữ trận địa pháo ở Sân Tiên, phá hủy khẩu pháo 105 ly, góp phần vào trận đánh giải phóng tỉnh An Giang tháng 4-1975… Trong ánh nắng rực rỡ, từ trên đỉnh Ba Thê có thể nhìn thấy những cánh đồng vàng dưới chân núi. Văng vẳng xa đưa tiếng chuông từ Sơn Tiên tự thanh thoát ngân nga trầm mặc.

Đến nay, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật của nền văn hóa Óc Eo như: đồ gốm, rìu đá, tượng gỗ - đá - đồng, đồ trang sức bằng vàng - bạc, thạch anh… với nhiều kích cỡ, màu sắc khác nhau. Theo nhiều sử sách ghi chép, nơi đây đã từng là một thương cảng phồn thịnh thời trung cổ bị vùi lấp dưới lớp đất phù sa sâu hơn 3m.

Quá trình khảo cổ di chỉ Óc Eo phát hiện nhiều cổ vật như: khuôn chế tác vật dụng và nữ trang bằng gốm, đá, vàng, đồng. Các tượng đá mang dấu ấn văn hóa Phật Giáo và Hindu giáo rất đa dạng như: tượng Phật, linh vật, Yoni và Linga có niên đại cách đây trên dưới 1.500 năm…

Qua đó, cho thấy sự tài hoa, khéo léo cũng như sự phồn thịnh của cư dân Vương quốc Phù Nam. Những hiện vật tìm thấy đã vẽ nên một bức tranh sống động về Vương quốc Phù Nam xưa có nền kinh tế phát triển vượt bậc, là một trung tâm thương nghiệp phồn thịnh, có mối quan hệ giao thương rộng rãi trong khu vực Đông Nam Á.

Dấu ấn Ba Thê

Trường THCS Nguyễn Công Trứ dưới chân núi Ba Thê.

Dấu ấn Ba Thê

Buổi sáng ở chợ Óc Eo.

Núi Ba Thê nay thuộc ấp Tân Hiệp B (thị trấn Óc Eo). Đây là một trong những địa chỉ du lịch của tỉnh. Mỗi năm, Óc Eo đón trên 2.000 lượt khách tham quan du lịch, chủ yếu là các địa điểm di tích lịch sử, du lịch tâm linh, Lễ hội kỳ yên đình thần Phan Thanh Giản. Địa phương đã và đang triển khai kế hoạch chỉnh trang nâng cấp thị trấn Óc Eo lên đô thị loại IV (giai đoạn 2016-2020). Đến nay, đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường ngang số 3 khu vực chợ Óc Eo với tổng kinh phí xây dựng 521 triệu đồng do Nhân dân đóng góp. Tuyến đường ngang số 4 khu vực chợ Óc Eo đang tiếp tục thi công. Đồng thời, xây dựng đường ống thoát nước đoạn từ cầu Ba Thê 5 đến vòng xoay núi Tượng chiều dài khoảng 300m với 6 hố ga, kinh phí thực hiện khoảng 2 tỷ đồng do tỉnh đầu tư xây dựng.

         Bài, ảnh: HỮU HUYNH