Đổ xô nhập lậu heo để giết mổ

14/11/2019 - 07:33

 - Đó là thực trạng đang diễn ra trên địa bàn các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, trong đó có An Giang. Thực trạng này dễ dẫn đến tình trạng đàn heo trong nước sẽ bị tái nhiễm với bệnh dịch tả heo Châu Phi. Người chăn nuôi heo trong tỉnh sẽ tiếp tục gặp khó, nếu không có giải pháp xử lý triệt để.

Kiếm tiền bất chấp

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều trường hợp thương lái sang Campuchia mua heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ để mang về nước giết mổ. Tính từ ngày 26-10 đến 10-11, các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh như: quản lý thị trường, biên phòng, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương đã bắt được nhiều vụ vận chuyển heo trái phép từ Campuchia về Việt Nam để mang đi tiêu thụ, trong đó điển hình là vụ Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1, bắt giữ 50 con heo đang trên đường vận chuyển từ khu vực biên giới về nội địa để tiêu thụ. Tổng trọng lượng là 4.698kg, trị giá trên 232 triệu đồng. Vụ thứ 2, vào khoảng 4 giờ 15 phút sáng 10-11, tổ chống buôn lậu (Đồn Biên phòng Phú Hội) phối hợp Đội Đặc nhiệm Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh) tổ chức mật phục tại khu vực ấp Phú Nhơn (xã Phú Hội, An Phú), bắt được 30 con heo, vận chuyển bằng phương tiện tắc-ráng (chạy với tốc độ cao) từ hướng biên giới về nội địa, trị giá hàng hóa bị bắt giữ trên 90 triệu đồng.

50 con heo không có giấy tờ hợp lệ bị bắt giữ và đưa đi tiêu hủy

Tất cả 80 con heo của 2 vụ buôn lậu bị bắt giữ có nguồn gốc từ Campuchia về Việt Nam đều không có giấy tờ hợp lệ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, chính vì vậy số heo bị bắt giữ đã được đưa đi tiêu hủy, nhằm tránh lây lan mầm bệnh cho đàn heo trong nước. “Nguyên nhân của vấn đề trên do giá heo trong nước và ngoài nước có sự chênh lệch nhau. Qua điều tra ban đầu cho thấy, mức chênh lệch ít nhất 10.000 đồng/kg, 1 tấn heo hơi sẽ chênh lệch 1 triệu đồng. Tùy theo loại hình vận chuyển bằng đường bộ hay đường thủy mà các đối tượng buôn lậu quyết định đi nhiều hay ít để kiếm lời” - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Huỳnh Ngọc Hồ thông tin.

Heo nhập lậu từ các nước lân cận, có chung đường biên giới với Việt Nam sẽ làm cho đàn heo trong nước dễ tái nhiễm với bệnh dịch tả heo Châu Phi, đồng thời gây thiệt hại lớn đến nền sản xuất heo trong nước, bởi thời gian qua, người chăn nuôi heo trong nước đã rất mệt mỏi với loại dịch bệnh này, giá heo hơi dao động trong một biên độ lớn, từ đó lợi nhuận có được từ việc nuôi heo gần như bằng không.

Chăn nuôi gặp khó

Bức xúc trước tình trạng thương lái các tỉnh có đường biên giới chung giữa Việt Nam và Campuchia sang nước bạn nhập heo hơi về nước giết mổ để kiếm lời, bà Trần Thị Lành (hộ chăn nuôi heo ở thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn) chia sẻ, những năm gần đây, ngành chăn nuôi heo, bò luôn trong tình trạng khó khăn. Chỉ riêng con heo, thời điểm trước năm 2015, giá heo hơi trong nước ở mức 50.000-52.000 đồng/kg, người nuôi có lời. Giá heo ở mức cao chưa được bao lâu, nhiều người thấy nuôi heo có lời, ai cũng “đổ xô” xây chuồng để nuôi, từ đó dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa. Phải mất 2 năm chịu đựng, tình hình mới được phục hồi. Đến đầu năm 2019, bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện trên khắp cả nước, hàng chục ngàn con heo bị nhiễm virus dịch bệnh buộc phải mang đi tiêu hủy. Một lần nữa, người chăn nuôi heo bị mất tất cả. Sản xuất gặp khó, vốn vay ngân hàng chưa trả xong, nay đến chuyện thương lái nhập heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ về giết mổ. “Chúng tôi, những hộ chăn nuôi heo trong tỉnh kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ngăn chặn tình trạng thương lái sang Campuchia nhập heo về nước để giết mổ, bởi làm như thế thì trong nay mai, giá heo trong tỉnh sẽ giảm mạnh, người chăn nuôi sẽ tiếp tục gặp khó” - bà Lành kiến nghị.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đàn heo trong tỉnh hiện nay khoảng 95.000 con, sụt giảm nhiều so với những năm trước đây. Nguyên nhân giảm do nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ, nông dân không dám tái đàn. Một nguyên nhân khác là bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện, số heo bị nhiễm bệnh phải mang tiêu hủy nhiều. Nay, tình trạng đổ xô nhập heo nước ngoài về giết mổ sẽ làm cho người chăn nuôi tiếp tục gặp khó. Kiểm soát tình hình này vẫn đang là vấn đề thời sự, mang tính cấp bách của các lực lượng chức năng hiện nay.

“Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi, ngày 25-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đã ký Công văn số 1076 về tăng cường kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm từ heo ở khu vực biên giới. Thực hiện chỉ đạo này, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên khu vực biên giới lẫn nội địa, không để tình trạng heo nhập lậu về giết mổ ở các lò giết mổ trong nội địa, chúng tôi đang thực hiện rất nghiêm túc vấn đề này” - ông Huỳnh Ngọc Hồ thông tin.

MINH HIỂN