Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

10/06/2019 - 07:59

 - Ngoài những kiến thức văn hóa, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh góp phần giúp các em hoàn thiện nhân cách, tự tin, linh hoạt trong xử lý tình huống xảy ra trong cuộc sống. Trước sự “bùng nổ” thông tin như hiện nay, nếu thiếu định hướng các em dễ bị dẫn dắt bởi lối sống lệch lạc, không biết cách bảo vệ bản thân.

Kỹ năng sống là khả năng thích nghi cho phép mỗi cá nhân đối phó hiệu quả với các nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày. Đó là tập hợp các kỹ năng mà con người tiếp thu qua giáo dục hoặc trải nghiệm trực tiếp trong đời sống. Lứa tuổi học sinh, các em dễ bị lôi kéo bởi những sự vật, sự việc mới lạ và hấp dẫn. Với bản năng tìm tòi, thích khám phá nếu không có bản lĩnh và kỹ năng cần thiết thì các em sẽ trở thành “con mồi” bị đối tượng xấu lợi dụng. Đó có thể là những kỹ năng rất đơn giản nhưng nếu chủ quan, lơ là thì học sinh sẽ không biết cách xử lý khi gặp phải. Chẳng hạn như: kỹ năng học tập, kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng thích ứng và hòa nhập với cuộc sống… Tùy vào độ tuổi và cấp học, sẽ có cách giáo dục kỹ năng phù hợp nhất với các em. Và, khi học sinh càng lên cấp học cao, việc giáo dục kỹ năng cần quan tâm đến vấn đề tâm, sinh lý hay kiến thức về pháp luật như: Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng giao tiếp, giáo dục giới tính… Nhìn cách mọi người lồng ghép việc giáo dục, tập huấn kỹ năng thông qua những buổi sinh hoạt, giao lưu hay vui chơi của các em, phần nào thấy được rằng, giáo dục kỹ năng đang ngày càng được quan tâm ở các cấp học.

Phó Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Long Xuyên Dương Thanh Tùng cho biết: “Trong năm, Thành đoàn Long Xuyên phối hợp các đơn vị như: trường học, ngành điện lực tuyên truyền, tập huấn những kỹ năng cần thiết cho học sinh. Dịp hè này, chúng tôi sẽ lồng ghép việc tập huấn kỹ năng thông qua những buổi sinh hoạt vui tươi, lành mạnh. Điển hình như ở “Ngày hội chào hè” 2019 do Nhà Thiếu nhi An Giang tổ chức, chúng tôi tập huấn kỹ năng cho các em thông qua các tiểu phẩm vui tươi, hài hước. Đó là các kỹ năng: phòng tránh, xử lý khi gặp sự cố về điện; phòng tránh xâm hại tình dục; xử lý khi có người lạ đến dụ dỗ muốn đưa về và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy. Mỗi tiểu phẩm, chúng tôi cố gắng truyền tải thông điệp ngắn gọn, súc tích và phù hợp với nhiều lứa tuổi. Qua mỗi tiểu phẩm, chúng tôi sẽ dừng lại trao đổi và đặt câu hỏi kiểm tra nhận thức, cách xử lý của các em như thế nào nếu là người trong cuộc. Tôi khá ngạc nhiên vì nhận thức của học sinh khá tốt trong các tình huống chương trình đưa ra. Sau cùng, chúng tôi chỉ chốt lại và nhấn mạnh cách xử lý hiệu quả nhất ở mỗi tình huống cho các em nắm vững. Theo tôi, cách tuyên truyền, giáo dục kỹ năng thông qua tiểu phẩm vừa sinh động, vừa giúp các em phát triển tư duy và tiếp thu nhanh kiến thức mình muốn truyền đạt nhanh nhất”.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Các em rất hào hứng theo dõi tình huống và tích cực đưa ra giải pháp của bản thân

Trong buổi tập huấn kỹ năng đó, không chỉ học sinh hào hứng mà rất đông phụ huynh tỏ ra phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Yến (sinh năm 1986, ngụ TP. Long Xuyên) bày tỏ: “Theo dõi từ đầu đến cuối buổi “Tập huấn kỹ năng sử dụng điện hiệu quả và tự bảo vệ bản thân cho thiếu nhi” ở sân chơi hè, tôi thấy rất hữu ích và cần thiết cho con mình. Ở nhà, tôi có dạy con một vài kỹ năng bảo vệ bản thân nhưng chỉ bằng lời nói suông, không biết nó nắm được bao nhiêu. Nhưng qua các tiểu phẩm vừa hài hước, vừa mang tính giáo dục cao như ở buổi tập huấn này, tôi thấy trẻ nào cũng thích thú. Thiết nghĩ, những buổi tập huấn ý nghĩa như thế này cần được tổ chức nhiều hơn để trẻ nhỏ hiểu biết và tự tin xử lý những tình huống bất ngờ trong cuộc sống. Bên cạnh đó, gia đình cũng thường xuyên giáo dục con thông qua các kênh giáo dục kỹ năng sống hay báo, đài để con vững tin bước vào đời”.

Với những chủ đề trên, học sinh đều có những hiểu biết nhất định. Song, khi đi vào từng trường hợp cụ thể, nhiều em tỏ ra lúng túng, không biết xử lý như thế nào cho đúng, phù hợp. Em Trương Thị Thảo Như (học sinh lớp 8A6, Trường THCS Nguyễn Huệ, TP. Long Xuyên) bộc bạch: “Dù chưa gặp phải những tình huống đặt ra trong tiểu phẩm nhưng qua đó em học hỏi được nhiều kỹ năng cần thiết cho bản thân. Chẳng hạn như khi gặp người khác giới cố tình tạo cử chỉ thân mật phải xử lý thế nào hay bị người lạ dụ dỗ cho quà hấp dẫn phải làm sao…”.

Để giáo dục kỹ năng sống hiệu quả cho học sinh, bên cạnh nỗ lực từ ngành giáo dục rất cần sự nhiệt tình, chung tay quan tâm từ: nhà trường và phụ huynh.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN