Học thi nhẹ nhàng với chương trình ngoại khóa

01/05/2019 - 08:06

 - Để học sinh tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả và tâm lý nhẹ nhàng trong kỳ thi học kỳ II lẫn giai đoạn cao điểm ôn tập thi tốt nghiệp THPT, các trường học luôn có những sáng kiến hữu ích. Tổ chức ngoại khóa để củng cố kiến thức đang là một trong những cách làm được các em học sinh hưởng ứng tích cực.

Ngữ Văn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận. Vì vậy, để học sinh nắm chắc kiến thức căn bản, “cảm” tác phẩm sâu hơn vận dụng vào bài làm, Trường THPT Chu Văn An (Phú Tân) đã cho học sinh ôn tập trực quan qua hình thức sân khấu hóa. Giáo viên từng lớp học được phân công hướng dẫn sửa bài, uốn nắn câu văn hùng biện, khả năng diễn xuất, đặc biệt là lựa chọn các tác phẩm văn học đúng trọng tâm, trọng điểm theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chỉ đạo của Sở GD&ĐT. Hấp dẫn và gây chú ý nhất là biểu diễn đoạn ngắn trong tác phẩm và thuyết trình. Diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ”, hình tượng sông Đà trong tùy bút “Người lái đò sông Đà”, khí tiết anh hùng của nhân vật Tnú trong tác phẩm “Rừng xà nu”, tâm trạng của anh lính trẻ Việt trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình”… được các em truyền đạt cảm xúc sâu sắc.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An Phạm Thị Hồng Sương, hình thức này thu hút học sinh hứng thú hơn trong học tập, ấn tượng và khắc sâu bài học. Bên cạnh đó, các em còn có cơ hội nâng cao kiến thức, kỹ năng, vốn sống, kinh nghiệm xử lý tình huống. Học sinh đã phát huy sáng tạo đúng mức, đảm bảo yêu cầu không vượt quá nội dung thi cử, đồng thời đáp ứng tốt cho giáo viên trong việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Rút kinh nghiệm từ hoạt động ngoại khóa các năm trước, năm nay Tổ Ngữ văn tập trung hơn vào từng khía cạnh nội dung, như: thi kiến thức giúp học sinh xác định lại trọng tâm, tạo ấn tượng dễ thuộc, dễ nhớ; sân khấu hóa để khắc sâu chi tiết quan trọng, cảm thụ để viết bài tốt, có nhiều cảm xúc để đưa vào bài; thuyết trình để vận dụng ngôn ngữ thể hiện chính kiến của mình, san sẻ cùng các bạn để sáng tạo phong phú hơn qua các chi tiết thầy cô đã dạy trên lớp.

Đây không phải là lần đầu tiên trường tổ chức hình thức ôn tập bằng ngoại khóa. Vì việc đổi mới phương pháp giáo dục “lấy học sinh làm trung tâm” theo chủ trương của ngành đã được vận dụng từ năm 2010. Qua nhiều lần thi, giáo viên giúp các em sửa bài, chỉnh lại các chi tiết để các em hóa thân nhân vật biểu diễn hay hơn, kỹ năng trên sân khấu tốt hơn… Cách ôn tập này tạo hứng khởi cho các em khá hiệu quả, nên vừa học trên lớp, thầy và trò đều dành thời gian chuẩn bị chu đáo để mỗi lần ngoại khóa đều đạt chất lượng. Trường cũng áp dụng nhiều hình thức đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực và điều này đòi hỏi giáo viên cũng phải đổi mới phương pháp dạy học sao cho học sinh hứng thú học tập và đạt hiệu quả tốt nhất trong các kỳ thi. Cô Phạm Thị Hồng Sương cho biết, năm nay các tổ bộ môn đều hướng tới hoạt động ngoại khóa để ôn thi, mang lại nhiều màu sắc khác nhau. Đối với các môn Khoa học xã hội, trường đã tổ chức hình thức ôn thi ngoại khóa môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý được lồng ghép trong các tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần. Riêng năm nay, ngoài môn Ngữ văn tổ chức ôn tập ngoại khóa cho học sinh khối 10 về văn học dân gian vào học kỳ I và khối 12 ôn thi THPT Quốc gia còn có tổ hợp môn Sử, Địa, Giáo dục công dân cũng phối hợp tổ chức. Thay vì học thuộc lòng hoặc phải áp dụng nhiều cách để nhớ bài, hình thức ôn tập này giúp học sinh chủ động hơn. Từ giai đoạn chuẩn bị, các em đã chú ý đến nội dung cần tập trung. Hơn nữa, sự tham gia đông đảo tạo điều kiện cho tất cả các em cùng học, cùng bàn luận và cảm nhận hiệu quả hơn.

MỸ HẠNH