Làm rõ thông tin, quy định xử phạt xe tải dưới 3,5 tấn không gắn phù hiệu và thiết bị giám sát hành trình

30/07/2018 - 06:46

 - Liên quan thông tin, quy định từ ngày 1-7-2018, xe tải dưới 3,5 tấn không gắn phù hiệu và thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt, theo Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) đơn vị kinh doanh (KD) VT không thu tiền trực tiếp sử dụng xe và không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép KDVT thì không bị xử phạt; còn lại trường hợp KD có thu tiền mới bị xử phạt, chịu chế tài quy định của pháp luật.

Ngày 16-7, Sở GT-VT đã có thông báo lộ trình cấp giấy phép KD, lắp đặt thiết bị giám sát thành trình và gắn phù hiệu đối với các xe ô tô có tải trọng dưới 3,5 tấn. Phó Giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Ngọc Vệ cho biết: “Tại Khoản 2, Điều 20 số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10-9-2014 về KD và điều kiện KDVT bằng xe ô tô quy định: đối với những loại hình KDVT chưa được cấp giấy phép KD trước khi có Nghị định có hiệu lực thì việc cấp giấy phép KD được thực hiện theo lộ trình: trước ngày 1-7-2018 đối với xe ô tô KDVT hàng hóa có tải trọng thiết kế dưới 3,5 tấn””.

 Theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10-9-2014 về KD và điều kiện KDVT bằng xe ô tô đã bắt đầu có hiệu lực.Từ 1-7-2018, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ KDVT hàng hóa bằng xe ôtô có trọng tải dưới 3,5 tấn nếu không gắn phù hiệu và thiết bị giám sát hành trình theo quy chuẩn của Bộ GT-VT sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Mặc dù quy định này đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2018 nhưng thực tế hiện nay, một số chủ phương tiện xe, doanh nghiệp chỉ thực hiện cầm chừng, mang tính đối phó, gắn thiết bị chưa hợp chuẩn theo quy định và chưa đăng ký phù hiệu xe tải với nhiều lý do.

Làm rõ thông tin, quy định xử phạt xe tải dưới 3,5 tấn không gắn phù hiệu và thiết bị giám sát hành trình

Khi xe tải được gắn phù hiệu, thiết bị giám sát hành trình sẽ đảm bảo đầy đủ các yếu tố để hoạt động, giúp các cơ quan chức năng, doanh nghiệp thuận lợi trong quản lý

Sở GT-VT hướng dẫn thực hiện đối với đơn vị KDVT, lái xe VT hàng hóa khi tham gia GT. Tại Khoản 2, Điều 58 Luật GT đường bộ năm 2008 quy định: người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ: đăng ký xe, giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”.

Ông Vệ cho biết: theo quy định, lái xe không được chở hàng hóa vượt quá khối lượng cho phép tham gia GT theo quy định của pháp luật. Trước khi thực hiện vận chuyển hàng hóa, lái xe có trách nhiệm yêu cầu người chịu trách nhiệm xếp hàng hóa lên xe ký xác nhận việc xếp hàng vào giấy VT và có trách nhiệm từ chối vận chuyển nếu việc xếp hàng không đúng quy định.

Thông tư 63 của Bộ GT-VT quy định: đơn vị KDVT hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải được cấp giấy phép KDVT bằng xe ô tô thuộc một trong các đối tượng: sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định của Chính phủ về danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm và thẩm quyền cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm. Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng theo quy định về tải trọng khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện GT đường bộ khi tham gia GT trên đường bộ; có từ 5 xe trở lên; sử dụng phương tiện có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia GT từ 10 tấn trở lên để vận chuyển hàng hóa.

Theo Sở GT-VT, toàn tỉnh có hơn 3.000 xe ô tô KDVT hàng hóa có trọng tải dưới 3,5 tấn; đến nay gần 2.000 phương tiện đã đăng ký gắn thiết bị giám sát hành trình và phù hiệu xe. Khi phương tiện được gắn phù hiệu sẽ đảm bảo đầy đủ các yếu tố để hoạt động như: giấy phép kinh doanh VT, được gắn thiết bị giám sát hành trình và đảm bảo các yếu tố an toàn khác, giúp các cơ quan chức năng, DN thuận lợi trong công tác quản lý. Các tài xế xe tải đồng tình cho rằng, việc trang bị đầy đủ các thiết bị giúp yên tâm hơn khi tham gia GT, quản lý thời gian làm việc của lái xe, giảm tai nạn GT. Tuy nhiên, không ít cánh tài xế không đồng tình với quy định này với nhiều lý do khác nhau và rất lo lắng vì mức xử phạt khá cao.

Công an tỉnh cho biết: do quy định mới bắt đầu có hiệu lực nên Cảnh sát GT đường bộ Công an tỉnh chỉ tuyên truyền, hướng dẫn và nhắc nhở các chủ xe tải dưới 3,5 tấn chưa gắn phù hiệu xe và thiết bị giám sát hành trình. Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Theo quy định, khi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng và bị tước quyền lái xe từ 1-3 tháng.

Trung tá Nguyễn Văn Tấn Tài, Phó Trưởng phòng Cảnh sát GT đường bộ Công an tỉnh cho biết: “Đây là một trong những giải pháp tăng cường đảm bảo trật tự an toàn GT, tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động VT đường bộ, giúp các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động VT quản lý lái xe, phương tiện chặt chẽ hơn. Ngành GT-VT cần tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục để tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động VT đăng ký giấy phép KD, gắn thiết bị giám sát hành trình; làm rõ thế nào là hoạt động KD, không KD để xác định rõ loại xe phải gắn phù hiệu và thiết bị giám sát hành trình”.

Phó Giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Ngọc Vệ nhấn mạnh: “Trên cơ sở các quy định trên, đơn vị KDVT không thu tiền trực tiếp sử dụng xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia GT dưới 10 tấn để vận chuyển hàng hóa và có số lượng dưới 5 xe không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép KDVT bằng xe ô tô, phù hiệu và gắn thiết bị giám sát hành trình”. Như vậy, đơn vị KDVT không thu tiền trực tiếp sử dụng xe và không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép KD VT thì không bị xử phạt, còn lại trường hợp kinh doanh có thu tiền mới bị xử phạt, chịu chế tài quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích