Nhiều loại cây trồng thiệt hại do mưa

02/07/2018 - 07:44

 - Việc chăm sóc cây trồng vào mùa mưa có nhiều thuận lợi. Cây trồng có được nguồn nước tưới tự nhiên nên phát triển tốt nhưng mùa mưa mang lại nhiều khó khăn, cây trồng rất dễ bị các loại sâu bệnh tấn công gây hại. Vì vậy, nông dân (ND) cần nắm vững kỹ thuật chăm sóc và có những biện pháp phòng ngừa thích hợp để mang lại hiệu quả cao.

Hiện nay đã bước vào mùa mưa, ẩm độ không khí cao là điều kiện thuận lợi cho một số loại dịch hại phát triển và gây hại. Đối với các hộ trồng rau màu, ngoài sâu bệnh thì tình trạng ngập úng gây không ít trở ngại cho việc đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng. Vụ này, gia đình anh Nguyễn Văn Bé Hai (ấp Bình Phú, xã Bình Thủy, Châu Phú) canh tác khoảng 2.000m2 rau màu các loại. Trong đó có 900m2 được gia đình anh trồng trong nhà lưới. Theo anh Bé Hai, trồng rau mùa mưa tuy năng suất không cao, nhưng ND vẫn có lãi từ 2 - 3 triệu đồng/công. Tuy nhiên, trong mùa mưa, việc sản xuất gặp nhiều trở ngại, do thời tiết không thuận lợi, nhất là dịch hại xuất hiện nhiều làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng rau. Do đó, phải có kỹ thuật canh tác tốt mới đạt hiệu quả mong muốn. “Từ đầu mùa mưa đến giờ, diện tích đất canh tác theo hướng an toàn, trồng trong nhà lưới không bị mưa làm ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, diện tích trồng đại trà lại bị thiệt hại. Đối với cây hành, bệnh vàng lá làm ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng. Đối với diện tích cây trồng khác như: cải xanh, cải ngọt, củ cải... do mưa liên tục nên nước thoát không kịp, gây ngập úng, ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất”- anh Bé Hai thông tin.

Nhiều loại cây trồng thiệt hại do mưa

Các loại cây ăn trái gặp nhiều sâu bệnh trong mùa mưa

Tình trạng ngập úng không chỉ xảy ra đối với những hộ trồng rau, mà những vườn cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng. Anh Trần Văn Bảo, canh tác 7,5 công quýt đường (xã Hòa An, Chợ Mới) cho biết, những ngày mưa nhiều, vườn cây ăn trái gia đình anh bị ngập úng nghiêm trọng, xuất hiện một số bệnh trên cây, đặc biệt là bệnh vàng lá, thối rễ, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất trái. Diện tích bị ảnh hưởng ước tính lên đến 30%. Theo anh Bảo, bệnh này thường xuất hiện vào mùa mưa, do đất ở xung quanh rễ cây bị ẩm, ướt… đây là năm đầu tiên vườn quýt anh bị bệnh vàng lá nên gia đình anh rất băn khoăn. “Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ trồng quýt ở địa phương cũng bị bệnh tương tự. Bệnh này làm cho trái bị vàng, phải thuê người hái bỏ phần trái bị bệnh để nuôi dưỡng cây. Nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời nhà vườn phải đốn bỏ, dẫn đến thiệt hại kinh tế rất lớn” - anh Bảo cho biết.  

Cũng như anh Bảo, vườn cam, quýt của gia đình anh Trần Văn Phước (ấp Vĩnh Trung, xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) bị bệnh vàng lá gây hại. Tuy nhiên, diện tích bị bệnh hại không đáng kể, chỉ từ 3 - 4%. Anh Phước cho biết, nếu gặp mưa kéo dài, vườn cây bị ngập úng, nên nhanh chóng bơm tháo hết nước trong vườn ra ngoài bờ bao, tránh cho vườn cây bị ngập kéo dài. Ngoài ra, định kỳ phun xịt các loại thuốc phòng, trị một số bệnh như: bệnh ghẻ, bệnh loét, nhện, lá vàng... đồng thời, bón phân hữu cơ để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây phát triển.

Hiện nay, trước tình trạng khí hậu biến đổi thất thường, ND cần thận trọng trong quá trình canh tác để tránh những thiệt hại ngoài ý muốn. Để bảo vệ và chăm sóc tốt cho cây trồng trong mùa mưa, ND phải chăm sóc vườn đúng quy trình kỹ thuật để cây trồng phát triển tốt. Tùy theo giống, điều kiện canh tác và tuổi thọ của cây trồng mà có những phương pháp canh tác thích hợp. Ngoài ra, mùa mưa dễ phát sinh nhiều loại sâu bệnh gây hại nên bà con ND chủ động đi thăm ruộng, vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng, trị đúng lúc, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

ĐÌNH ĐỨC