Những giáo viên không nghỉ hưu

18/07/2018 - 15:08

 - Dành hơn nửa cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục (GD), vậy mà khi đến tuổi về hưu, nhiều thầy, cô giáo ở các địa phương chưa chịu ngơi nghỉ. Họ tiếp tục cống hiến sức lực, bằng tất cả tâm huyết của mình với các em học sinh (HS) trên từng con chữ, phép tính, quyết tâm cùng nhà trường chăm lo cho sự nghiệp GD ở địa phương.

Trước khi nghỉ hưu, cô Lê Thị Ngọc Lợi công tác ở Trường Tiểu học A Kiến An (xã Kiến An, Chợ Mới). Cứ mỗi dịp hè về, nhà cô Lợi lại trở nên náo nhiệt với bàn, ghế, tập sách và những gương mặt HS thân quen. Theo cô Lợi, do ở vùng nông thôn, cha mẹ chủ yếu đi làm nông suốt ngày nên ít dành thời gian quan tâm đến chuyện học hành của con. Vì vậy, đa phần HS từ lớp 1 lên lớp 2 vẫn chưa thích ứng kịp, học lực vẫn ở mức yếu.

“Ngoài chuyện được phụ huynh gửi, mình vẫn mong góp ít công sức giúp các em củng cố kiến thức theo kịp bạn bè, vươn lên khá giỏi. Không để các em vì học yếu, kém mà sinh ra chán nản rồi bỏ học, như vậy thì còn gì tương lai”- cô Lợi cho hay.

Ban đầu, lớp học của cô Lợi chỉ có vài em, sau ngày càng đông thêm. Tiền học phí chủ yếu phụ huynh tự nguyện hỗ trợ, nhưng với những HS khó khăn cô Lợi nhất quyết không nhận, vì từ đầu cô mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ các em. Có lẽ thành quả mà cô Lợi có được, vui mừng nhất là học lực của các em được nâng lên rõ rệt, từ yếu, kém đã vươn lên khá, giỏi vào lúc tổng kết cuối năm học.

Tiếp thêm kiến thức cho các em học sinh đi đến tương lai là mong muốn của những giáo viên nghỉ hưu nhưng vẫn còn giàu tâm huyết

Tiếp thêm kiến thức cho các em học sinh đi đến tương lai là mong muốn của những giáo viên nghỉ hưu nhưng vẫn còn giàu tâm huyết

Đến tuổi hưu từ năm 2006, cô Dương Thị Thu Cúc (xã Thoại Giang, Thoại Sơn) đã có hơn chục năm gắn bó với những lớp dạy kèm cho các em HS ở địa phương. Trước đó, cô Cúc dạy tại Trường Tiểu học A Thoại Giang, sau đó về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Thoại Giang. Không chỉ dạy con chữ, phép tính, đến với lớp học này, những HS có hoàn cảnh khó khăn, cô Cúc còn nấu cơm cho ăn cùng với gia đình.

“Nhà mình làm ruộng, dù không giàu có nhưng được cái lúa gạo lúc nào cũng có sẵn, để cho các em no bụng đâu có khó, 1 chén cơm, đôi đũa thì có là gì đâu”- cô Cúc chia sẻ.

Bên cạnh đó, là giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề nên cô Cúc được các phụ huynh nhờ dạy kèm, bồi dưỡng cho những em học sinh giỏi, với số tiền phí có được cùng tiền lương hưu mỗi tháng của mình, cô Cúc dành để ủng hộ cho HS nghèo hiếu học vào dịp cuối năm học. Năm nào cũng vậy, tại 4 điểm trường ở các bậc mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn xã Thoại Giang, cô Cúc đều có phần quà: tập sách, đồng phục để tặng các em học sinh nghèo hiếu học vào dịp khai giảng, tổng kết năm học.

“Khi được mời dự tổng kết ở các trường, thấy HS mình lên nhận thưởng nhiều, vui lắm. Lúc đó, bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến, chỉ thấy còn sự vui mừng thôi, nhờ vậy mà mình mới có động lực để tiếp tục tâm huyết với nghề như thế này”- cô Cúc chia sẻ.

Cô Huỳnh Thị Kim Xoàn, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên) nghỉ hưu từ năm 2009. Từ lúc nghỉ hưu đến nay, cũng là ngần ấy thời gian cô Xoàn gắn bó với lớp dạy kèm tại nhà mình. Bên cạnh dạy kiến thức nâng cao cho các em HS khá, giỏi, cô Xoàn còn kèm cho HS có học lực yếu, kém không theo kịp kiến thức trên lớp. “Có em học đến lớp 2 mà viết chữ rất xấu, toán thì làm không được. Tôi phải có phương pháp riêng, kèm sát luôn. Đến cuối năm, thành tích em tiến bộ rõ rệt, giáo viên chủ nhiệm cũng phải có lời khen ngợi, gia đình vui mừng đến cám ơn vì đã giúp đỡ con em họ”- cô Xoàn tâm sự.

Phụ huynh của những học sinh yếu kém, hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn, ngoài gửi con em đến học cũng có gửi tiền thù lao nhưng cô Xoàn nhất quyết không nhận. Cô chỉ xem đó như là công việc tiếp tay cùng với nhà trường nâng cao chất lượng GD ở địa phương.

Với những giáo viên ưu tú, giàu kinh nghiệm như vậy, ngoài cung cấp kiến thức thì với phương pháp dạy học riêng còn giúp các em xây dựng được ý thức học tập, về đạo đức, ứng xử trong gia đình, xã hội. Bên cạnh đó, nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được may đồng phục, hỗ trợ tiền, động viên đến lớp. Nhờ vậy, phụ huynh ai nấy đều vui mừng, còn các em học sinh nghèo lại được tiếp nối giấc mơ đến trường của mình.

ÁNH NGUYÊN