Những gợi ý cho du lịch An Giang

25/10/2019 - 07:52

 - Mặc dù lượng khách đến An Giang đông hơn rất nhiều so với các địa phương khác nhưng doanh thu từ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Làm sao khai thác hiệu quả ngành “công nghiệp không khói” vừa là mục tiêu lâu dài, vừa là niềm trăn trở lâu nay.

Khách đông nhưng ít xài tiền

Đam mê khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch, anh Hoàng Tùng Lâm (Quảng Trị) cảm thấy rất ấn tượng khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng Bảy Núi An Giang. “Núi Cấm rất đẹp, cảm giác mát mẻ, dễ chịu không thua gì Đà Lạt, Bà Nà. Thậm chí, nơi đây còn thu hút hơn bởi không khí trong lành, cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ” - anh Lâm nhận xét.

Tham gia cùng đoàn Hành trình Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019 (StarUp Journey 2019), do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) tổ chức, anh Lâm càng ấn tượng khi tiếp cận con số 8,5 triệu lượt du khách đến An Giang năm 2018. Tuy nhiên, con số doanh thu chỉ hơn 4.500 tỷ đồng khiến anh phải đặt dấu hỏi so sánh. “Lượng khách đến An Giang đông hơn hẳn TP. Đà Nẵng (có điểm du lịch Bà Nà Hills) hay tỉnh Lào Cai (có điểm du lịch Sa Pa) nhưng doanh thu du lịch ở những địa phương này lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Vì sao lượng khách đến An Giang cao như vậy nhưng không xài tiền nhiều như các địa phương khác. Có phải do thiếu dịch vụ chuyên nghiệp để khách chi tiền?” - anh Lâm đặt vấn đề.

Du khách sẵn sàng chi tiêu nếu có dịch vụ tốt

Là một người có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh du lịch tại Việt Nam, bà Võ Xuân Thư, Giám đốc khu vực ĐBSCL của Tập đoàn Thiên Minh (tập đoàn du lịch lớn khu vực Đông Nam Á, đang sở hữu chuỗi khách sạn Victoria tại Việt Nam và Campuchia, trong đó có Victoria Núi Sam) có ngay câu trả lời: “Du lịch tâm linh vừa là một lợi thế nhưng là gánh nặng cho du lịch An Giang. Đã gọi là tâm linh thì người ta chủ yếu đến cúng viếng, thắp nhang rồi về nên ít chi tiêu. Trong khi đó, khi đến Bà Nà Hills, Sa Pa, Hạ Long… là du khách xác định đi chơi nên phải chuẩn bị túi tiền để sẵn sàng chi cho các dịch vụ”.

Tuy nhiên, không phải là không có lối mở cho du lịch An Giang bởi trong số 8,5 triệu khách đến đây, có số lượng lớn sẵn sàng chi tiêu cho các dịch vụ tương xứng. “Quan trọng là tạo ra sản phẩm du lịch để giữ chân du khách. Ví dụ như thay vì chỉ mở điểm kinh doanh nước thốt nốt, đường thốt nốt Bảy Núi, An Giang có thể xây dựng thành một khu trưng bày, trong đó tái hiện toàn cảnh về nghề khai thác nước thốt nốt như: cây phải trồng hơn một đời người mới khai thác được nước, quá trình lấy nước, nấu đường, thông tin về giá trị dinh dưỡng… và tạo điều kiện cho du khách cùng tham gia quá trình ấy. Tương tự, với các nghề truyền thống khác, cần xây dựng thành 1 câu chuyện để thu hút khách nán lại” - bà Thu gợi ý.

Đánh thức tiềm năng

Tập đoàn Thiên Minh đang chuẩn bị khai trương tuyến du lịch đường sông để khám phá An Giang. “Cuối năm nay, chúng tôi sẽ khai thác tàu du lịch tiêu chuẩn 5 sao xuất phát từ TP. Cần Thơ. Đây là tàu du lịch hạng sang đầu tiên xuất bến từ TP. Cần Thơ bởi lâu nay, các tàu chủ yếu xuất bến từ Tiền Giang. Với tour du lịch mới này, tàu chỉ ghé 2 điểm ở TP. Cần Thơ, còn phần lớn hành trình là các điểm du lịch ở An Giang như: Bảo tàng An Giang, cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên), điểm du lịch sông nước Vàm Nao (xã Tân Hòa, Phú Tân), làng Chăm Châu Phong, làng bè ngã 3 sông Châu Đốc trước khi lên Tân Châu để đi PhnomPenh (Campuchia). Trong hành trình, khách du lịch sẽ được đưa vào khám phá rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên) bằng xe du lịch hoặc tàu nhỏ hơn. Đây sẽ là một trong những điểm nhấn để khách quốc tế khám phá du lịch An Giang” - bà Thu khẳng định.

Tọa đàm “Giải pháp phát triển du lịch An Giang”

Trao đổi tại buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển du lịch An Giang” nhân lễ xuất quân Hành trình StarUp Journey 2019, TS. Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp cho rằng, bản thân du lịch tâm linh là một lợi thế nếu biết cách khai thác. “Tôi đến Thái Lan, thấy họ chẳng có tài nguyên du lịch gì nhiều ngoại trừ những bãi biển và các ngôi chùa với kiến trúc gần như giống nhau. Tuy nhiên, cái hay của Thái Lan là mỗi hướng dẫn viên, người dân đều là đại sứ du lịch. Họ luôn giữ được nụ cười tươi, xây dựng những câu chuyện ở từng điểm đến để tạo sự cuốn hút, tò mò khám phá nơi du khách. Do vậy, dù không có những thắng cảnh tự nhiên, tiềm năng du lịch đa dạng như Việt Nam, nhưng du lịch Thái Lan tạo ra giá trị rất lớn. Ở các điểm du lịch của An Giang, cũng có thể xây dựng thành những câu chuyện dựa vào lịch sử, giai thoại, truyền thuyết để thu hút du khách. Quan trọng là những người kinh doanh, phục vụ du lịch, người dân làm du lịch phải được tập huấn, nâng cao ý thức phục vụ khách chuyên nghiệp” - TS. Nguyễn Đức Tùng gợi ý.

Trân trọng ghi nhận những góp ý của những người có tâm huyết với du lịch, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu cho biết, mục tiêu của tỉnh không chỉ tăng lượng du khách hàng năm đến An Giang mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch để khách chi tiêu nhiều hơn. “An Giang là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL vừa có núi rừng, vừa có đồng bằng với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt. Tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh đặc sắc như: Khu du lịch núi Cấm, Khu du lịch quốc gia núi Sam, Di chỉ văn hóa Óc Eo... Sắp tới, tỉnh sẽ thành lập làng bè Châu Đốc với nhiều màu sắc gắn với phát triển du lịch về đêm, tổ chức lại du lịch đường thủy. Đồng thời, đang xúc tiến mời gọi nhiều doanh nghiệp du lịch lớn đầu tư vào đây để tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch thu hút khách nhiều hơn” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN