Tập trung cho xuất khẩu năm 2019

16/01/2019 - 07:41

 - Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 840 triệu USD, tăng 2,44% so cùng kỳ 2017 và đạt 100% kế hoạch đề ra. Tiếp đà tăng trưởng này, năm 2019, tỉnh đặt mục tiêu xuất khẩu 890 triệu USD, tăng 6,58% so năm 2018. Đó là mục tiêu khả quan trong bối cảnh thị trường rộng mở, hàng hóa An Giang ngày càng hướng đến chất lượng, hiệu quả.

Phát huy thế mạnh chủ lực

Phó Giám đốc Sở Công thương Đoàn Minh Triết cho biết, năm qua, hoạt động thương mại trong tỉnh sôi động, cung-cầu đảm bảo, giá cả thị trường không có biến động lớn. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 đạt 102.564 tỷ đồng, tăng 13,89% so cùng kỳ, đạt 100% so kế hoạch.

Đối với xuất khẩu, tiếp tục giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định. Các loại hàng hóa xuất khẩu chủ yếu như: thủy sản, gạo, hàng may mặc và rau quả đông lạnh tiếp tục đảm bảo với định hướng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu của tỉnh. Xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh ở thị trường truyền thống, phát triển quy mô tại các thị trường tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 đạt 840 triệu USD, tăng 2,44% so cùng kỳ 2017, đạt 100% kế hoạch đề ra. Khi gặp khó khăn liên quan đến hàng rào thuế quan và kiểm dịch an toàn thực phẩm ở thị trường Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), các doanh nghiệp thủy sản đã tập trung phát triển thêm thị trường Châu Á. Đây được xem như cách ứng phó linh hoạt và dịch chuyển hợp lý trong bối cảnh chung. Năm qua, xuất khẩu mặt hàng thủy sản đạt 118.000 tấn, tương đương 260 triệu USD, tuy chỉ bằng 86,06% về lượng nhưng tăng 2,77% về kim ngạch so năm 2017.

Đối với mặt hàng chủ lực khác của tỉnh là gạo, xuất khẩu tiếp tục có những thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu tăng từ các thị trường như: Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Châu Phi, Campuchia… Năm 2018, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 493.000 tấn, tương đương 240 triệu USD (tăng 14,65% về lượng và 14,83% về kim ngạch). Với mặt hàng dệt may, Mỹ tiếp tục là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất. Năm qua, xuất khẩu dệt may đạt 115 triệu USD, tăng đến 33,72% so năm 2017. Xuất khẩu rau quả ổn định khi đạt sản lượng 9.000 tấn, tương đương 15 triệu USD (tăng 12,5% về lượng, tăng 1,35% về kim ngạch so cùng kỳ).

Tập trung cho xuất khẩu năm 2019

Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh

Mở rộng thị trường

Để hỗ trợ xuất khẩu, Sở Công thương đang triển khai Đề án phát triển thương mại biên giới tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Campuchia, trước mắt khảo sát các tỉnh có sức tiêu thụ lớn, từ đó doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xâm nhập hàng hóa mang tính cạnh tranh và bền vững. Sở sẽ kịp thời thông tin các chính sách của nước ta và nước bạn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới của thương nhân tại tỉnh.

Ông Triết cho biết, năm 2019, Sở Công thương duy trì và phát triển mối quan hệ với sở công thương các tỉnh biên giới phía Bắc để kịp thời nắm bắt các thông tin về cơ chế chính sách xuất, nhập khẩu vùng biên giới giáp Trung Quốc. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội đầu tư và các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tại các khu vực biên giới, tìm kiếm các giải pháp điều tiết hàng hóa ùn tắc ở các cửa khẩu khu vực biên giới, công tác phòng, chống hàng hóa nhập lậu ở các khu vực biên giới.

Năm 2019, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được ký kết và thực hiện, kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, giá trị tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của An Giang phụ thuộc chủ yếu từ sự tăng trưởng nhu cầu của các nước nhập khẩu, nhất là ở mặt hàng gạo. Dự báo Châu Á sẽ thay thế các nước Châu Âu trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản chính. Trong khi đó, khuynh hướng gia tăng đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp FDI ngành dệt may. Theo Sở Công thương, hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh năm 2019 vẫn đối mặt với những thách thức, tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh chưa cao, chưa quan tâm phát triển chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường. “Cần đề phòng khả năng mặt hàng gạo bị cạnh tranh từ chính Trung Quốc khi năm 2019, nước này có thể xả kho gạo đã nhập, bán giá cạnh tranh sang Châu Phi. Trong khi đó, Thái Lan có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ tồn kho, hỗ trợ xuất khẩu nên sẽ tăng tính cạnh tranh với gạo Việt Nam” - Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam lưu ý.

Tập trung cho xuất khẩu năm 2019

Các sản phẩm cá tra cũng có thị trường tốt

Dù có những thách thức nhưng theo dự báo, những mặt hàng chủ lực của An Giang tiếp tục có thị trường thuận lợi trong năm 2019. Đối với cá tra, cùng với triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, mở rộng diện tích nuôi cá tra thương phẩm, mô hình liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp cũng được mở rộng nhằm nâng cao chất lượng cá tra, đáp ứng nhu cầu thị trường lớn. Đối với tôm càng xanh, tỉnh đang triển khai hiệu quả việc sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực, phát triển vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả. Đối với cây ăn trái, lúa gạo, đang được tập trung thành vùng nguyên liệu được kiểm soát an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu để tiếp cận các thị trường khó tính. Khuynh hướng nâng cao chất lượng sẽ thúc đẩy gia tăng xuất khẩu, cả về sản lượng và kim ngạch.

NGÔ CHUẨN