Tập trung giải ngân vốn năm 2018

14/08/2018 - 06:52

 - Qua 7 tháng của năm 2018, tuy giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh cao hơn cùng kỳ năm 2017 và cao hơn bình quân cả nước nhưng mức tăng không đáng kể. Việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn những tháng cuối năm ngoài đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chú ý “mốc” thời gian 30-9

Qua tổng hợp báo cáo của các chủ đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh và Sở Tài chính, 7 tháng của năm 2018, ước giá trị đầu tư xây dựng hoàn thành trên địa bàn tỉnh được gần 1.953,7 tỷ đồng, đạt 43,35% kế hoạch vốn, trong đó giá trị giải ngân vốn được 1.778,8 tỷ đồng, đạt 39,42% kế hoạch vốn giao đầu năm (gần 4.513 tỷ đồng).

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Lê Văn Phước, tỷ lệ giải ngân như thế vẫn còn thấp, chỉ cao hơn 1,36% so cùng kỳ năm 2017 và cao hơn 0,65% so bình quân cả nước. Tuy nhiên, nếu tính về giá trị thì toàn tỉnh đã giải ngân nhiều hơn cùng kỳ 438,8 tỷ đồng. Nếu không kể nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP) thì tỷ lệ giải ngân đạt 45,48%, tăng 7,42% so cùng kỳ 2017 (năm 2017, nguồn vốn TPCP đến tháng 9-2017 mới giao kế hoạch vốn). Tính theo nguồn vốn thì vốn TPCP có tỷ lệ giải ngân thấp nhất (chỉ đạt 4,66%), kế đến là vốn chương trình mục tiêu quốc gia (ngân sách Trung ương mới giao chi tiết vào cuối tháng 5-2018 nên chỉ thực hiện giải ngân được gần 13,4 tỷ đồng, đạt 12,27%).

Trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân bình quân chưa đạt kỳ vọng, có những địa phương, đơn vị đã cố gắng triển khai các dự án, đạt tỷ lệ giải ngân khá cao. Ông Phước cho biết, đối với chủ đầu tư (CĐT) là các sở, ngành (và đơn vị trực thuộc) cấp tỉnh, có 23/50 CĐT có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh. Trong đó, có những sở, ngành dù có số kế hoạch vốn lớn (trên 50 tỷ đồng) nhưng vẫn đạt tỷ lệ giải ngân cao như: Sở Xây dựng (gần 96%), Ban Quản lý dự án Khu kinh tế tỉnh (tỷ lệ giải ngân đạt 86,73%), Bệnh viện Sản-Nhi An Giang (84,07%), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (74,64%)… Đối với CĐT là các huyện, thị xã, thành phố, có 8/11 CĐT có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh. Trong đó, có những huyện, thị xã, thành phố có số kế hoạch vốn lớn (trên 100 tỷ đồng) đạt tỷ lệ giải ngân cao như: TP. Long Xuyên (79,68%), An Phú (76,82%), Thoại Sơn (61,77%)… Tuy nhiên, vẫn còn 3/8 CĐT cấp huyện, 27/50 sở, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung, trong đó có 6 đơn vị chưa giải ngân vốn.

“Theo quy định, đến ngày 30-9-2018, những công trình nào không đạt tiến độ giải ngân vốn từ 30% trở lên sẽ không được tiếp tục bố trí vốn. Do vậy, các CĐT cần rà soát kỹ, đánh giá lại những công trình có khả năng không giải ngân được thì báo cáo UBND tỉnh để điều chuyển vốn sang công trình khác, tránh bị cắt vốn. Đối với các công trình chuyển tiếp, mới đấu thầu thì cần đẩy nhanh tiến độ hồ sơ thực hiện” - ông Phước lưu ý.

Gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng

Trong số các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là vướng mắc lớn nhất. Có những dự án (DA) người dân đã nhận tiền đền bù nhưng chậm giao mặt bằng và có khiếu nại như: DA kè chống sạt lở bờ sông Hậu bảo vệ TP. Long Xuyên, DA khắc phục sạt lở bờ hữu sông Hậu khu vực phường Bình Đức, DA tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long, DA cầu Cái Đầm - Tỉnh lộ 954… Ngay với vốn TPCP bố trí cho DA Tỉnh lộ 945 (610/670,3 tỷ đồng), tiến độ giải ngân mới đạt gần 3,3 tỷ đồng (chiếm 0,54%) mà nguyên nhân là do công tác GPMB chưa thực hiện xong.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Trọng Thành cho biết, nguyên nhân khiến công tác GPMB thường bị vướng do quy định kéo dài về thời gian. Theo đó, từ thời gian ra thông báo đến thực hiện thu hồi mặt bằng là 180 ngày. Như vậy, để GPMB xong, bàn giao cho đơn vị thi công, nhanh nhất cũng mất 200 ngày. “Đó là chưa kể trường hợp có khiếu nại thì phải tổ chức đối thoại, giám định bổ sung, thực hiện giải quyết khiếu nại khiến thời gian bàn giao mặt bằng kéo dài thêm” - ông Thành phân tích.

Trong số những nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ GPMB, có nguyên nhân chủ quan là do các địa phương không có nền tái định cư để bố trí cho những hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở. “Sắp tới, tỉnh sẽ tái thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện, phân bổ phương án đền bù cho huyện nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB. Đối với các công trình khi đã có phương án GPMB, cần cho tạm ứng tiền trước để đền bù, vô triển khai DA thì hoàn vốn lại. Các huyện cần quan tâm đầu tư các khu tái định cư sớm để bố trí nền cho các hộ dân bị ảnh hưởng” - ông Thành đề nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cho rằng, nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công những tháng còn lại của năm 2018 cũng như những năm tiếp theo, ngoài giải pháp chung, UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, một số sở, ngành thực hiện những thủ tục về điều chuyển, bổ sung vốn, triển khai GPMB… để tạo thuận lợi cho CĐT, đơn vị thi công.

“Sở TN&MT điều tra, thống kê lại tình hình sử dụng nền ở các khu dân cư vượt lũ trên địa bàn tỉnh. Đối với những nền đã bố trí cho người dân nhưng họ không sử dụng thì thu hồi lại để bố trí cho các hộ có nhu cầu tái định cư sau khi thu hồi mặt bằng. Nếu rà soát kỹ, số nền trống ở các khu dân cư hiện nay còn chiếm khoảng 15 - 20%” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng yêu cầu.

“Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương cần tăng cường trách nhiệm xuống công trình. Ngoài đoàn kiểm tra chung, có thể thành lập các tổ kiểm tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ các DA, nhất là DA chậm tiến độ, đảm bảo đạt kết quả giải ngân vốn đạt ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2018. Việc triển khai đạt yêu cầu, chất lượng các công trình sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

 

NGÔ CHUẨN