Tôn vinh cán bộ làm công tác nữ công

08/03/2019 - 07:47

 - Lực lượng lao động nữ ở An Giang hiện chiếm gần 50% công nhân, viên chức, lao động toàn tỉnh (51.864/104.927). Với số lượng đông đảo, công tác nữ công luôn được công đoàn quan tâm, chăm lo chu đáo, thiết thực để các chị phát huy sở trường, tài năng của mình trong công việc và đóng góp cho xã hội.

Đồng hành cùng nữ công nhân, viên chức, người lao động, để khơi dậy các phong trào thi đua hiệu quả, cán bộ nữ công đóng vai trò rất quan trọng. Dịp 8-3 và kỷ niệm 70 năm thành lập Ban Nữ công Công đoàn Việt Nam năm nay, để tôn vinh và chia sẻ với nữ cán bộ làm công tác nữ công, lần đầu tiên Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức buổi họp mặt thân mật để các chị ngồi lại bên nhau giao lưu, gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm.

Đóng góp thiết thực

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thiện Phú khẳng định: “Lực lượng nữ công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh đã không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng; tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo cấp ủy, công tác quản lý, các cơ quan Đảng, đoàn thể từ 30% trở lên. Với tinh thần, nhiệt huyết không ngại gian khó, lực lượng nữ công nhân, viên chức, lao động đã phát huy trí tuệ, khẳng định năng lực, sở trường công tác, có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội; khéo léo, chu toàn, đảm đang trách nhiệm của người vợ, người mẹ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Đội ngũ cán bộ làm công tác nữ công - cánh tay nối dài của tổ chức công đoàn, là cầu nối, gắn kết giữa lực lượng nữ công nhân, viên chức, lao động với tổ chức công đoàn - đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu, sáng tạo trong cách nghĩ, đổi mới trong cách làm đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các chị đã tích cực học tập nghiên cứu, đóng góp và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ; tăng cường tuyên truyền giáo dục về giới, bình đẳng giới, chính sách pháp luật lao động liên quan lao động nữ và trẻ em.

Hệ thống công đoàn tỉnh hiện có 1 Ban Nữ công nghiệp vụ, 949 Ban Nữ công quần chúng với 2.883 ủy viên Ban Nữ công Công đoàn các cấp. Trong vai trò của mình, cán bộ nữ công tại các Công đoàn cơ sở tranh thủ đề xuất lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân, viên chức, lao động. Đồng thời, quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ các trường hợp khó khăn, thành lập các nguồn quỹ góp vốn tương trợ; thương lượng, đưa vào thỏa ước lao động tập thể một số phúc lợi dành riêng cho lao động nữ. Một số vấn đề bức xúc trong công nhân lao động ở khu công nghiệp như: nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ở, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao đã từng bước được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và “Giỏi việc nước - chia sẻ việc nhà” ngày càng phát triển và nâng cao về chất, góp phần tích cực vào việc thực hiện chiến lược về bình đẳng giới. Hoạt động chăm lo cho con công nhân, viên chức, lao động được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, như: tặng quà dịp Tết, ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), tổ chức trại hè, tặng học bổng, hỗ trợ điều kiện học tập...

Tôn vinh cán bộ làm công tác nữ công

Cán bộ nữ công tiêu biểu giao lưu, chia sẻ về công việc, cuộc sống tại buổi họp mặt

Tâm sự “Người trong cuộc”

Phó Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Công đoàn ngành giáo dục và đào tạo Lưu Thị Thúy cho rằng, hoạt động nữ công rất cần sự quan tâm, gần gũi để vui cùng niềm vui, buồn cùng nỗi buồn của các chị em. Sự chia sẻ của người làm công tác nữ công không chỉ thể hiện trong lời nói suông mà phải là hành động chăm lo kịp thời, cụ thể. Giao lưu, chia sẻ tại buổi họp mặt cán bộ nữ công, chị Thúy mong muốn công đoàn chăm lo thiết thực hơn đến lực lượng lao động nữ. “Cần có những hoạt động chăm lo, nghỉ dưỡng dành riêng cho giới nữ. Do bị chi phối nhiều bởi công việc gia đình, con cái nên chị em phụ nữ phải cố gắng nhiều hơn nam giới trong việc tự học, tự rèn luyện để nâng cao trình độ, nắm bắt thông tin và tham gia các hoạt động xã hội. Hơn nữa, tạo hóa sinh ra nam giới và nữ giới với những đặc điểm tâm sinh lý hoàn toàn khác nhau, nên việc nghỉ dưỡng là rất cần thiết để các chị có thể giải tỏa căng thẳng do áp lực công việc, cuộc sống đồng thời tái tạo sức lao động và tiếp tục làm tốt công việc của mình. Nữ đoàn viên rất cần được tham gia thường xuyên các lớp tập huấn về kỹ năng mềm như: giao tiếp công vụ, văn hóa công sở, đạo đức công vụ…” - chị Thúy chia sẻ.

Trưởng ban Nữ công Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm Phan Thị Thùy Linh cho biết, để thực hiện tốt công việc chuyên môn với những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, thực hiện tốt công tác nữ công, bản thân chị được sự trợ giúp từ chồng và con trai. Chồng luôn quan tâm, chia sẻ những khó khăn, vất vả với chị từ việc nhà hàng ngày đến những khó khăn trong công việc, áp lực tinh thần. Chị Linh tâm sự: “Người này tạo điều kiện, choàng gánh công việc gia đình giúp người kia và ngược lại khi vào các giai đoạn “cao điểm” phải thực hiện nhiệm vụ cơ quan, không phân biệt việc nhà hay việc nước đều có tiếng nói chung. Các chị em khi trở thành người vợ, người mẹ đều có những kỹ năng mềm dẻo, vốn có của một người phụ nữ để có thể giữ lửa, vun đắp tổ ấm, vừa phấn đấu hoàn thành tốt công việc, vừa trở thành một phụ nữ “2 giỏi” trong thời hiện đại”.

MỸ HẠNH