Trẻ tự kỷ gian nan hòa nhập cuộc sống

12/12/2019 - 07:37

 - “Không phải đợi đến một ngày trẻ không nói, không cười, không muốn tiếp xúc với ai, không thiết tha vui chơi, sinh hoạt thì các bậc cha mẹ mới nghĩ đến việc đưa trẻ đến bác sĩ để xem con mình có bị chứng tự kỷ không. Ngay khi con có những biểu hiện như: ngại giao tiếp, chào hỏi, lãnh đạm với ăn uống, giận dữ thái quá… thì các bậc cha mẹ nên nghĩ đến khả năng con mình đã mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ” - cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Thủy (giảng viên ngành Sư phạm Giáo dục mầm non, Trường Đại học An Giang) nhận định.

Trẻ tự kỷ gian nan hòa nhập cuộc sống

Phụ huynh cần tự tìm hiểu thêm về chứng phổ tự kỷ để chăm sóc con tốt hơn.

Từng nhận điều trị cho trẻ tự kỷ, cô Thủy rất xót xa với trường hợp 1 bé trai 7 tuổi nhưng tâm trí, ứng xử như 1 đứa trẻ 3 tuổi. Đó là câu chuyện về một người mẹ sau ly hôn, hoàn cảnh khó khăn nên đã không cho cậu con trai 3 tuổi đến trường học. Thay vào đó, người mẹ mỗi ngày đi làm từ sáng đến chiều, nhốt con mình trong phòng với thức ăn, sữa, đồ chơi và mặc tình cho con tự sinh hoạt. “Một đứa trẻ 3 tuổi phải ở một mình trong khoảng thời gian dài, với nỗi cô đơn, sợ hãi và niềm trông đợi mẹ về, lại không được trang bị kỹ năng tự chăm sóc bản thân thì làm sao trẻ không bị sốc, lâu dài trẻ sẽ sợ hãi với thế giới xung quanh, không phát triển được ngôn ngữ và giao tiếp” - cô Thủy cho biết. Thật vậy, đứa trẻ khi được người cha phát hiện thì đã không thể nói chuyện, giao tiếp như đứa trẻ bình thường. 7 tuổi, em mới đến cơ sở mầm non làm quen với bạn bè và cô giáo xung quanh, nỗ lực theo cách chăm sóc, hướng dẫn của cô giáo dành riêng cho trẻ tự kỷ, một hành trình hòa nhập lắm gian nan!

Một hiện tượng làm cho trẻ dễ mắc chứng phổ tự kỷ là việc cha mẹ ít dành thời gian vui chơi, học tập cùng con cái mà thay vào đó là để trẻ sa đà vào các thiết bị điện tử để cha mẹ làm việc riêng, lâu dần trẻ trở nên thụ động, không thích giao tiếp, không có cảm xúc với bất kỳ thứ gì xung quanh. Đó là câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ, sau khi lâm cảnh nợ nần phải đi làm ăn xa nên gửi cậu con trai hơn 1 tuổi cho nhà ngoại chăm sóc. Bà thương cháu không có ba mẹ gần gũi nên hết mực chiều chuộng, cháu thích và đòi xem điện thoại suốt ngày đêm, đến bữa ăn bà mang đến đút, cần gì thì cứ gọi bà, đến mệt mỏi quá mức thì bé mới ngủ. Đến nay, mặc dù đã gần 4 tuổi nhưng bé vẫn không nói chuyện, không tự xúc cơm ăn, không tự mặc quần áo và càng không thể đi học như bạn bè cùng trang lứa.

Theo cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Thủy, từ thực tế tại một số cơ sở mầm mon hầu như các trường đều có một vài trường hợp trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Do vậy, trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non có học phần “Giáo dục hòa nhập” sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức sơ đẳng về nhận biết các biểu hiện, cách chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phụ huynh khó phát hiện hoặc không chấp nhận sự hoài nghi con mình mắc chứng tự kỷ để đưa đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám. Một lời khuyên chân thành được cô đưa ra là cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc con trẻ, nhất là lứa tuổi mầm non, để trẻ không những được phát triển thể chất mà còn là trí tuệ, ngôn ngữ, kỹ năng xã hội; tránh tình trạng gây cho trẻ cú sốc tâm lý, bị bỏ mặc chơi một mình, chơi với thiết bị điện tử quá lâu sẽ hạn chế sự phát triển về tư duy, khả năng giao tiếp, cảm nhận thế giới xung quanh, dẫn đến những biểu hiện tâm lý không đúng so với trẻ bình thường, nặng hơn là những biểu hiện của chứng rối loạn phổ tự kỷ. Ngay khi con mình có những biểu hiện khác thường, cha mẹ nên mạnh dạn đưa con đến bác sĩ chuyên khoa hay chuyên gia tâm lý để có những chẩn đoán chính xác. Nếu trẻ thật sự mắc bệnh, cha mẹ hãy đối điện sự thật, hãy lắng nghe những lời khuyên của bác sĩ, chuyên gia, tăng cường phối hợp với cơ sở mầm non để có cách thức quan tâm, điều trị bệnh tình cho con.

Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống dù lắm gian nan nhưng bằng tình thương và sự kiên trì của người lớn vẫn có thể cứu vãn được tương lai của một đứa trẻ.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG