Vệ sinh an toàn thực phẩm mùa nóng

02/05/2018 - 06:44

 - Tình hình thời tiết diễn biến bất thường, có những ngày vào cao điểm, nắng nóng lên đến 33-34oC, nắng, mưa bất chợt. Tình hình trên không chỉ tiềm ẩn các loại dịch bệnh, mà còn khiến nhiều người canh cánh nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, người dân cần chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh.

Thời gian gần đây, nhiệt độ có chiều hướng gia tăng, nhiều lúc nắng nóng kéo dài khiến những người lao động nghèo phải bươn chải mưu sinh dưới cái nắng nóng gay gắt không khỏi ngao ngán. Chưa kể, nắng nóng kéo dài dễ dẫn đến sự biến chất của các loại thực phẩm, làm mất VSATTP, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.

Từ Tết Nguyên đán đến nay, ngành chức năng đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra VSATTP, đồng thời kết hợp nhiều biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao kiến thức về VSATTP. Song, quan trọng vẫn là cái tâm và ý thức người bán hàng, phải đặt lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng lên trên hết. 

Người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm tươi sống để đảm bảo sức khỏe

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Y tế TP. Long Xuyên (An Giang)  cho biết: “Thời tiết nắng nóng, diễn biến bất thường như hiện nay là điều kiện để các loại nấm, vi sinh, vi khuẩn phát triển mạnh và tăng cao. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thức ăn. Đặc biệt, nhóm thực phẩm có nguy cơ biến đổi chất cao nhất khi thời tiết nắng nóng là thịt động vật, các loại dầu, mỡ và hải sản. Nếu các chủ cơ sở kinh doanh thức ăn bảo quản không tốt dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm. Trước thực tế trên, mọi người hãy là người tiêu dùng thông minh, biết cách nhìn nhận, chọn lựa thực phẩm tươi, ngon hoặc bằng cảm quan của mình mà “gửi gắm” sức khỏe ở những cơ sở thức ăn có uy tín”.

Chị Nguyễn Thị Hoa (43 tuổi, ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) cho biết: “Để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, tôi quan tâm khâu chọn mua và chế biến thức ăn, đặc biệt là vào những ngày thời tiết nắng nóng. Khi mua thịt, cá sống, tôi chọn những loại tươi ngon, không ham giá “siêu rẻ” vì giá cả và chất lượng luôn tỷ lệ thuận với nhau. Nếu mua nhiều thịt, tôi chỉ chế biến 1 phần, phần còn lại rửa sạch, cho vào bọc buộc kín và để ngăn đông tủ lạnh. Khi cần lấy ra rã đông vài giờ và chế biến. Song, việc bảo quản thịt như vậy cũng có thời gian nhất định. Thông thường khoảng vài ba ngày tôi phải tranh thủ chế biến, nếu không hết sẽ bỏ chứ không tiếc mà giữ lại vì ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình”.

Thật vậy, các gia đình không nên chuẩn bị, dự trữ quá nhiều thức ăn khi sử dụng không hết. Bởi, trời nắng nóng, các loại thức ăn dự trữ sẽ rất dễ bị biến chất nếu bảo quản không tốt.

“Mẹ tôi có thói quen chừa thức ăn dư hết ngày này đến ngày kia. Dù đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng bà vẫn tiếc vì sợ uổng, tốn tiền nên cứ giấu tôi, ăn lại thức ăn cũ nhiều ngày. Rồi 1 hôm, bà bị đau bụng phải nhập viện. Bác sĩ chẩn đoán bà bị nhiễm trùng đường tiêu hóa do ăn phải thức ăn ôi, thiu. Lúc này bà mới sợ và từ đó về sau không còn thói quen ăn lại thức ăn cũ của mấy ngày trước nữa”- chị Nguyễn Phương Linh (26 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ.

“Việc tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh ăn uống luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo tốt nhất sức khỏe người dân. Trong đợt kiểm tra Tết Nguyên đán vừa rồi, chúng tôi đã kiểm tra 97 cơ sở kinh doanh thức ăn, uống trên địa bàn thành phố, xử phạt 31 cơ sở, với số tiền trên 40 triệu đồng. Thời gian tới, chúng tôi tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn về đêm, đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở trang bị tốt kiến thức VSATTP.

Với người tiêu dùng, chúng tôi hy vọng mọi người nên trang bị kiến thức về vệ sinh cũng như bảo quản thực phẩm, đồng thời là người tiêu dùng thông minh khi chọn mua sản phẩm thức ăn. Nếu có dấu hiệu ngộ độc cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa” - bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Y tế TP. Long Xuyên cho biết.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích