An Giang chăm lo cho lao động nữ từ sự tận tâm, thiết thực

13/10/2022 - 07:23

 - Chiếm xấp xỉ 50% trong tổng số người lao động (NLĐ), lực lượng lao động nữ đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh An Giang trên mọi lĩnh vực. Hoạt động chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ được các ban nữ công quan tâm đặc biệt.

Công ty TNHH An Giang Samho có 9.927 đoàn viên thì có hơn 7.000 công nhân là lao động nữ. Ngoài các hoạt động chăm lo thường xuyên, công ty còn quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ cho NLĐ. Trong đó, trọng tâm là chương trình “Tết sum vầy”, các hoạt động giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao nhân dịp Tháng công nhân, ngày lễ, liên hoan cuối năm.

Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, hiện nay, công ty đã thành lập được đội văn nghệ quần chúng, đội bóng đá nam và nữ, đội bóng chuyền nam và nữ, đội bóng chuyền hơi nữ. Ngoài việc duy trì tập luyện thường xuyên, đây còn là những hạt nhân tích cực tham gia vào những giải đấu, hội thao, hội thi do công đoàn các khu công nghiệp và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức.

Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Phát triển du lịch An Giang Đỗ Kim Yến cho biết, để hài hòa vừa chăm lo cho đoàn viên nói chung, vừa quan tâm đến đoàn viên nữ có hoàn cảnh khó khăn đòi hỏi sự nhiệt huyết của CĐCS và ban nữ công. Trong 2 năm xảy ra dịch COVID-19, đơn vị đã nỗ lực để chia sẻ, không “bỏ rơi” NLĐ. Trong hoàn cảnh nào, công đoàn vẫn luôn được sự đồng hành của lãnh đạo công ty, hỗ trợ tối đa về thời gian, điều kiện, kinh phí… để các hoạt động chăm lo đi vào chiều sâu. Làm tròn nhiệm vụ đó không phải là một việc dễ dàng, cán bộ phải mất thời gian, đôi khi “mất” cả… tiền túi, nhưng đổi lại là niềm tin, sự yêu thương của NLĐ.

Mô hình “Sức khỏe của bạn” dành cho công nhân lao động nữ trong doanh nghiệp

Tại các địa phương, LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố gắn bó với cơ sở thực hiện nhiều mô hình thiết thực. Điển hình, TX. Tân Châu đang thực hiện các mô hình làm lợi cho nữ công nhân lao động, như: Mô hình "Quỹ Tương thân tương ái"; “Tổ tiết kiệm công đoàn”; “Hùn vốn xoay vòng” với mức đóng góp từ 200.000-500.000 đồng/tháng. Phong trào “Nuôi heo đất - Trao yêu thương” trong nữ công nhân, viên chức, lao động tiếp tục được phát huy, với gần 200 triệu đồng thu từ chương trình được sử dụng để thăm hỏi, tặng quà cho lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn...

TP. Long Xuyên có 84 CĐCS doanh nghiệp (DN), số lượng nữ đoàn viên, NLĐ trực tiếp sản xuất tại các công ty, nhà xưởng là 4.749 người. LĐLĐ TP. Long Xuyên và CĐCS đã tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục chủ DN thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đến nay, có 71 DN thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể. Các thỏa ước đều có từ 4-5 điều khoản có lợi cho NLĐ, đặc biệt là lao động nữ, như: Thời gian nghỉ giữa giờ có thể nhiều hơn lao động nam 10 phút, đám cưới lao động nữ được ưu tiên nghỉ nhiều hơn lao động nam 1 ngày, lao động nữ được Ban Giám đốc quan tâm tặng hoa và quà dịp 8/3 và 20/10, khám sức khỏe định kỳ, tham quan, nghỉ dưỡng…

Thi đua “Nam giỏi việc nước, chia sẻ việc nhà” được xem là phong trào đặc biệt của An Giang và của cả nước. Khởi điểm đầu tiên tại huyện Tri Tôn, nhằm mục đích phát động nam công nhân, viên chức, lao động thể hiện trách nhiệm và yêu thương đối với người phụ nữ trong gia đình. Năm 2011, số lượng đăng ký tham gia chỉ có 55% tổng số nam công đoàn viên.

Đến năm 2021, có 2.005 nam đoàn viên đăng ký, chiếm 90% tổng số nam công đoàn viên trên toàn huyện; tỷ lệ xét danh hiệu “Nam 2 giỏi” đạt từ 86%. Phong trào ý nghĩa này được sự đồng thuận của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nên việc tổ chức triển khai thuận lợi, đạt được những kết quả nhất định. Lực lượng nam công nhân, viên chức, lao động vừa ra sức thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, vừa tham gia chia sẻ công việc gia đình, tiến tới xóa bỏ quan niệm phân biệt đối xử về giới.

Bên cạnh những cách làm tích cực và kết quả đáng phấn khởi, công tác nữ công còn ghi nhận nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan. Một số CĐCS trong DN cho rằng khi tổ chức hội thao, văn nghệ, NLĐ ngoài tinh thần tham gia còn quan tâm đến các chế độ đi kèm. Bởi đặc thù lao động làm việc trên dây chuyền, thu nhập dựa trên thành phẩm làm được nên họ mong muốn nâng lên mức hỗ trợ để tập luyện các hội thi, giải thi đấu, được tạo điều kiện tối đa để cùng tập luyện.

Ở cơ sở, vẫn còn tình trạng công đoàn và người sử dụng lao động chưa “gặp nhau”, chưa tạo điều kiện và phối hợp tổ chức các hoạt động công đoàn nói chung và hoạt động nữ công nói riêng. Mặt khác, do đa số là kiêm nhiệm nên cán bộ nữ công ở cơ sở ít có thời gian dành cho các hoạt động nữ công, dẫn đến hiệu quả đạt được chưa như mong muốn…

Những khía cạnh tồn tại và giải pháp đề xuất đã được đại diện các CĐCS, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phân tích, thảo luận tại cuộc tọa đàm “Nâng cao chất lượng công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ” do LĐLĐ tỉnh tổ chức. Bên cạnh chia sẻ những mô hình mới, cách làm hay để nhân rộng, công đoàn đã tập hợp được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để đúc kết và triển khai thực hiện ở các cấp công đoàn trong thời gian tới.

MỸ HẠNH