An Giang nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

16/06/2022 - 07:17

 - Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), thời gian qua, An Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tối ưu, tháo gỡ khó khăn cho DN, nỗ lực xây dựng để An Giang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Theo đó, PCI của An Giang đạt 66,48 điểm, tăng 1,76 điểm, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2020 và thuộc nhóm điều hành “Khá”. So với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL, An Giang đứng thứ 4/13, tăng 2 bậc so năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, kinh tế tỉnh đang trên đà phục hồi và phát triển khá mạnh mẽ. Đặc biệt, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và tỉnh ban hành Kế hoạch 692/KH-UBND, ngày 16/11/2021 về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 thì kinh tế của An Giang đã phục hồi gần như ngay lập tức.

Điều đó cho thấy, tiềm lực của DN và tiềm năng nền kinh tế của tỉnh là rất lớn, chỉ cần điều kiện thuận lợi là có thể nhanh chóng bật dậy mạnh mẽ. Điển hình, dịch vụ - du lịch là một trong những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, chịu tác động mạnh nhất, ảnh hưởng tới sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nhưng sau khi áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP và Kế hoạch 692/KH-UBND, lĩnh vực này đã có sự khởi sắc và tăng trưởng rất nhanh.

Những tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, đi vào ổn định. Ảnh: TRUNG HIẾU

Những tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP của tỉnh cải thiện đáng kể. Hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) của các DN đã vượt qua khó khăn, đi vào ổn định, đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Toàn tỉnh có 349 DN đăng ký mới và 334 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký 2.555 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số DN đăng ký tăng 32,7% (tương đương 86 DN), số đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới tăng 92% (tương đương 160 đơn vị trực thuộc).

Tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn, thực hiện tư vấn, hướng dẫn cho các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu tại tỉnh. 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 5 dự án đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 448 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn 14.096 tỷ đồng. Kết quả trên là sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị về thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19; khẳng định niềm tin, sự hài lòng của cộng đồng DN, nhà đầu tư đối với công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Tuy hoạt động SXKD đã phục hồi, nhưng không ít DN tại An Giang cho biết, họ đang gặp khó do các rào cản về chính sách, tiếp cận nguồn vốn vay và giá xăng dầu liên tục tăng cao. “Trong quá trình phục hồi SXKD, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do một số văn bản, quy định của Trung ương liên quan đến hoạt động DN chưa rõ ràng, bất cập, khiến DN gặp khó khi áp dụng. Nếu không kịp thời tháo gỡ, DN sẽ gặp khó khi mở rộng đầu tư, kinh doanh, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Vì vậy, chúng tôi mong lãnh đạo tỉnh sớm kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN kinh doanh hiệu quả, chung tay với địa phương giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động” - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai Trương Vĩnh Thành kiến nghị.

Cùng ý kiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang Nguyễn Thị Kim Chi đề nghị: “UBND tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ các DN nhỏ tiếp cận vốn vay; hỗ trợ DN cho giãn thu tiền thuế, bảo hiểm xã hội và tiếp cận nguồn lao động có trình độ… để phục hồi SXKD sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”.

Ảnh: THANH HÙNG

 Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng: “Cộng đồng DN, doanh nhân, nhà đầu tư có vai trò rất quan trọng, là hạt nhân trong phát triển kinh tế, là nhân tố đóng góp tích cực để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các cấp, ngành luôn đồng hành, chia sẻ cùng DN, nhà đầu tư. An Giang luôn xác định sự thành công của DN là thước đo cho sự thành công của tỉnh, lấy cải cách hành chính làm khâu đột phá, lấy công tác tiếp xúc, hỗ trợ DN tại chỗ làm hạt nhân để tạo sự chuyển biến rõ nét và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh”.

Để tăng điểm, tăng hạng và đạt được mục tiêu vào nhóm điều hành “Tốt” của cả nước về chỉ số PCI, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trong 6 tháng cuối năm 2022 cần tập trung tháo gỡ những rào cản, giải quyết nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc cho DN, từng bước nâng cao chỉ số PCI. Nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; rà soát, cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm gánh nặng cho DN. Tăng cường tính bình đẳng, công khai và minh bạch trong việc cung cấp thông tin liên quan đến các chính sách của nhà nước, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính…

“Chính quyền tỉnh An Giang sẽ tiếp tục đồng hành với DN, tăng cường công tác giao lưu, đối thoại bằng nhiều hình thức khác nhau để kịp thời nắm bắt, xác định nhu cầu chính đáng của DN. Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh trên cơ sở quy định của pháp luật. Chú trọng xây dựng hình ảnh lãnh đạo chính quyền tỉnh cởi mở, năng động và sáng tạo, luôn đồng hành với sự phát triển của DN” - ông Nguyễn Thanh Bình cam kết.

THU THẢO