An Giang nâng chất hợp tác xã nông nghiệp

17/09/2021 - 04:48

Thông qua phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mới trong nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã hình thành, nhiều thương hiệu nông sản có uy tín được xây dựng. Kinh tế tập thể ngày càng khẳng định vai trò, vị thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

Hợp tác xã nông nghiệp An Bình (huyện Thoại Sơn) - hợp tác xã kiểu mới có sự tham gia của Tập đoàn Lộc Trời (Ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh COVID-19). Ảnh: NGÔ CHUẨN

Vị thế nông nghiệp

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Năm 2020, sản lượng lúa, nếp đạt trên 4 triệu tấn với tổng diện tích gieo trồng cả 3 vụ đạt hơn 637.000ha; diện tích nuôi cá tra 3.310ha, sản lượng đạt 496.000 tấn. Mặt hàng lúa, cá của An Giang nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng. Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt 2,3%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 192 triệu đồng/ha/năm, tăng 85 triệu đồng so với năm 2014. Nhiều nông sản của tỉnh đã khẳng định chất lượng và uy tín trên thị trường trong, ngoài nước, như: gạo Nàng Nhen Bảy Núi, gạo An Bình 1, nhãn xuồng Khánh Hòa, xoài thơm Vĩnh Hòa...

Để góp phần cho thành công này, có thể khẳng định sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực kinh tế tập thể, đặc biệt là vai trò của HTX, tổ hợp tác (THT) trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Thống kê năm 2020, toàn tỉnh có trên 180 HTX nông nghiệp, 800 THT đang hoạt động, chủ yếu cung cấp dịch vụ thiết yếu phục vụ cho sản xuất trồng trọt, như: sản xuất và cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, bơm tưới tiêu, thu hoạch… Các HTX, THT trên địa bàn An Giang ngày càng nâng cao vai trò nòng cốt trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch lại sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, nâng cao hiệu quả sản phẩm trên cùng đơn vị diện tích.

Tuy nhiên, việc phát triển HTX, THT gắn với thực hiện hợp tác liên kết sản xuất còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, như: chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao; người dân có định kiến đối với mô hình HTX kiểu cũ; 1 bộ phận còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; cơ chế, chính sách của nhà nước dành cho HTX, THT còn nhiều bất cập, không phát huy sức mạnh nội lực của HTX, THT. Thêm vào đó, trình độ, năng lực quản lý, điều hành của HTX, THT còn hạn chế, tư duy sản xuất chậm so với sự thay đổi nhanh từ môi trường bên ngoài, dễ chịu tác động tiêu cực bởi các tác nhân bên ngoài như biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Hướng đến bền vững

Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025” ra đời, đã kịp thời định hướng chiến lược sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tạo khí thế phấn khởi cho nông dân, các tổ chức đại diện nông dân, doanh nghiệp (DN) và cả hệ thống chính trị cùng chung tay hợp tác, đổi mới toàn diện lĩnh vực kinh tế tập thể, gắn sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo đơn đặt hàng của DN và nhu cầu thị trường.

Quan điểm xuyên suốt và thống nhất đã khẳng định rõ trong chương trình là: “Phát triển kinh tế tập thể, nhất là HTX, THT gắn với phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực là xu hướng tất yếu của thời đại”. Nhận định này đã tiếp nối và phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 70-KL/TW, ngày 9-3-2020 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Mục tiêu đến năm 2025, An Giang xây dựng và phát triển HTX, THT gắn với 6 hệ sinh thái ngành hàng chủ lực của tỉnh, gồm: lúa gạo, rau màu, cá tra, xoài, heo và bò. Tỉnh phấn đấu mỗi năm thành lập mới ít nhất 10 HTX phục vụ phát triển các ngành hàng chủ lực; có ít nhất 25% HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị với DN hoặc có DN tham gia vào tổ chức và hoạt động của HTX.

Đến năm 2025, mỗi HTX có ít nhất 20% cán bộ quản lý điều hành có trình độ đại học, cao đẳng và 15% có trình độ trung cấp, sơ cấp; ít nhất 2 HTX/huyện ứng dụng công nghệ cao hoặc sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 sao trở lên gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương; có ít nhất 3% THT/huyện được nâng chất phát triển lên HTX; xây dựng, duy trì và phát triển 2 liên hiệp HTX và các hiệp hội ngành hàng.

Chương trình hành động 06-CTr/TU xác định HTX, THT và DN là các tác nhân chính trong chuỗi giá trị ngành hàng, đảm bảo tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói theo yêu cầu của thị trường. Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống sơ chế, chế biến, bảo quản, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, hệ thống logistics, phát triển cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản tại vùng nguyên liệu, thuận lợi giao thông, lao động; trong đó hoạch định vùng nuôi tập trung quy mô lớn về gia súc, gia cầm tại huyện Tịnh Biên và Tri Tôn.

Chương trình hành động 06-CTr/TU đã thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, nhân dân An Giang trong việc phát triển chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông sản. Trong đó, vai trò trung tâm cầu nối liên kết là HTX, THT để thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hình thành vùng sản xuất quy mô, kiểm soát được chất lượng và nâng cao giá trị theo chuỗi, từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu.

Thời gian tới, An Giang sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và nhóm giải pháp một cách quyết liệt như tâm thư của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan gửi cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL: “Để giải quyết tồn tại bấy lâu nay, cần đến quyết tâm cao độ, cách làm quyết liệt và sự đồng thuận, đồng lòng trong toàn hệ thống chính trị mà đứng đầu là cấp ủy, chính quyền các địa phương”.

TRẦN ANH THƯ

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)

Chương trình hành động 06-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nếu được triển khai sớm, đồng bộ sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, triển vọng mới cho lĩnh vực kinh tế tập thể, đặc biệt là giúp các HTX bứt phá mạnh mẽ, góp phần giải quyết thách thức còn tồn đọng trong sản xuất nông nghiệp