An Giang phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

17/10/2022 - 07:02

 - Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi tắt là xây dựng đời sống văn hóa) trên địa bàn tỉnh An Giang đã mang lại hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tham gia, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Nhiều kết quả thiết thực

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Nguyễn Khánh Hiệp, những năm qua, phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Từ đó, đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống toàn xã hội trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; lối sống mới, sống đẹp được hình thành, thiết chế văn hóa được tăng cường.

Song song đó, phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” đã được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân. Từ đó, giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước đổi thay, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh và các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng, như: Đường bê-tông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa gắn với sân chơi thể thao… đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần, thể dục - thể thao cho nhân dân.

Công tác xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khóm/ấp văn hóa” được triển khai thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định. Việc bình xét các danh hiệu được thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ, mang tính giáo dục cao. Đến nay, toàn tỉnh có 507.051 hộ “Gia đình văn hóa”, đạt 93,98% so tổng số hộ. Phong trào xây dựng “Khóm/ấp văn hóa”, khu phố văn hóa cũng được nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn tỉnh An Giang hiện có 879 “Khóm/ấp văn hóa”, đạt 100% so tổng số khóm/ấp; 85 xã đạt chuẩn “Văn hóa NTM”, đạt 71,42% so tổng số xã; 27 phường, thị trấn đạt chuẩn “Văn minh đô thị”, đạt 72,97% so tổng số phường, thị trấn. Các xã, thị trấn đã chỉ đạo khóm, ấp sửa đổi quy ước, hương ước phù hợp với tình hình phát triển chung; phổ biến triển khai những tiêu chí của phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khóm/ấp văn hóa” tới từng hộ gia đình để nhân dân biết và thực hiện. Từ đó, các hộ gia đình có ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia xây dựng địa phương ngày càng phát triển. 

9 tháng của năm 2022, Ban Chỉ đạo công tác gia đình và phong trào xây dựng đời sống văn hóa tỉnh An Giang đã công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn “Văn hóa NTM” tại các xã: Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu), An Phú (huyện Tịnh Biên), Phú Long, Phú Xuân, Long Hòa (huyện Phú Tân), Tân Tuyến (huyện Tri Tôn). Công nhận danh hiệu phường đạt chuẩn “Văn minh đô thị” tại phường Long Sơn (TX. Tân Châu). Công nhận lại danh hiệu xã đạt chuẩn “Văn hóa NTM” 5 năm liền tại xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên), xã Tân Hòa (huyện Phú Tân), xã Bình Chánh (huyện Châu Phú) và danh hiệu phường, thị trấn đạt chuẩn “Văn minh đô thị” 5 năm liền tại các phường: Mỹ Xuyên, Mỹ Long, Mỹ Phước (TP. Long Xuyên) và thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân).

“Điểm nhấn của phong trào xây dựng đời sống văn hóa thời gian qua là việc nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Nhiều mô hình gắn với tiêu chí cảnh quan môi trường, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh, trật tự... được phát động và nhân rộng, như: “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “Tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo”, “Nắm gạo tình thương”, “Tuyến đường thanh niên tự quản sáng - xanh - sạch - an ninh”, “Đoạn đường không rác”, câu lạc bộ cựu chiến binh bảo vệ môi trường... Mỗi mô hình là một bước tiến của phong trào xây dựng đời sống văn hóa, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân được phát huy, nhân thêm những điển hình tiêu biểu ở cộng đồng dân cư”- ông Nguyễn Khánh Hiệp chia sẻ. 

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, phong trào xây dựng đời sống văn hóa phát triển theo chiều hướng chất lượng, hiệu quả, thiết thực; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, bảo đảm sự phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị và xây dựng NTM; có chính sách đầu tư đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người An Giang theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025). Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công sở, văn hóa công vụ và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên để văn hóa thực sự là động lực, đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phát huy tính gương mẫu, tự giác, tuân thủ pháp luật của cá nhân, cơ quan, đơn vị và trong cộng đồng xã hội; có biện pháp ngăn chặn các hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng môi trường văn hóa. Thúc đẩy các nội dung lành mạnh, tích cực, “Thông tin tốt, câu chuyện đẹp”, đẩy lùi thông tin tiêu cực, tin xấu, tin giả. Xây dựng các tác phẩm văn hóa phù hợp với thuần phong mỹ tục, có tính giáo dục dành cho thanh, thiếu nhi và nhân dân…

THU THẢO