Theo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Châu Văn Ly, thời gian qua, công tác chăm lo cho người có công được tỉnh rất quan tâm và thực hiện tốt. Đảm bảo đầu tiên là thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, cấp phát tiền kịp thời, đầy đủ và đồng loạt ở các huyện theo quy định. Sở thường xuyên nhắc nhở các địa phương hàng tháng thực hiện dứt điểm từ ngày 5 đến ngày 10. Nguồn hỗ trợ này được cấp từ trung ương nên để giải quyết nhanh nhất, sở chỉ đạo các phòng chuyển tiền qua bưu điện giao đến cho người nhận.
Kế đến, hoạt động tặng quà nhân dịp lễ, Tết đều được đảm bảo cho tất cả các đối tượng. Tỉnh còn quan tâm chăm lo về nhà ở đối với người có công. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội An Giang đã tiến hành rà soát lại toàn bộ nhà ở, mức thu nhập của người có công để đối chiếu với mức chuẩn nghèo mới. Trên cơ sở đó sẽ có các giải pháp hỗ trợ phù hợp như: Chăm lo sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, việc làm, học nghề, hỗ trợ sinh kế để tăng mức thu nhập… thông qua vận động doanh nghiệp và trích Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Mục tiêu là không để người có công có mức sống thấp hơn mức trung bình, đảm bảo cho tất cả gia đình người có công được ổn định cuộc sống.
Đoàn đại biểu người có công cách mạng tỉnh An Giang viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang) Nguyễn Thị Lan Phương cho biết, đến nay, An Giang đã tổ chức xác nhận và thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi trên 40.000 người có công. Trong đó có 142 lão thành cách mạng, 89 cán bộ Tiền khởi nghĩa, 9.491 liệt sĩ, 760 Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 15 mẹ còn sống), 43 Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân, 6.075 thương - bệnh binh, trên 5.500 người hoạt động kháng chiến, 18.700 người có công giúp đỡ cách mạng, 750 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học)... Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 87 gia đình được Chủ tịch nước khen tặng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ.
Thực hiện Quyết định 22/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, từ năm 2013 đến năm 2020, An Giang đã hỗ trợ cho 6.412 hộ, với kinh phí trên 241 tỷ đồng. Đối với việc vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, 4 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 3 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ khó khăn đối với người có công. Hiện nay, tất cả Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh đều được các doanh nghiệp nhận phụng dưỡng hàng tháng đến cuối đời từ 1 - 2 triệu đồng/tháng; phần lớn người có công và thân nhân liệt sĩ đều có nhà ở và đời sống ổn định.
Các đại biểu người có công với cách mạng tỉnh An Giang gặp gỡ Bộ Quốc Phòng
Bên cạnh chế độ ưu đãi theo quy định, vào các dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ hàng năm, UBND tỉnh chủ trương cùng các địa phương tổ chức họp mặt tuyên dương các gia đình chính sách, đi thăm tặng quà gần 70.000 lượt người có công, kinh phí trên 50 tỷ đồng. Đến nay, An Giang có 156/156 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh tặng Bằng công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.
Báo cáo chính sách ưu đãi người có công của tỉnh An Giang với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Công tác quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ luôn được quan tâm tu bổ, nâng cấp. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 nghĩa trang liệt sĩ với trên 14.300 mộ liệt sĩ, luôn được khang trang, sạch đẹp. Tỉnh thường xuyên bổ sung thông tin đối với Đề án cổng thông tin điện tử về mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh An Giang. Đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo 515 tỉnh thực hiện tốt kế hoạch tìm kiếm, quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ về an táng trong các nghĩa trang liệt sĩ. Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, tỉnh đang xây dựng kế hoạch thực hiện bổ sung thông tin đối, với 500 phần mộ liệt sĩ thiếu thông tin trong nghĩa trang liệt sĩ theo Quyết định 150/QĐ-TTg.
MỸ HẠNH