Cô giáo Lê Na hướng dẫn bài tập Ngữ văn cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại sân Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).
“Nếu được quay lại thời điểm chọn nghề nghiệp, tôi vẫn sẽ đi trên con đường có bục giảng, phấn trắng, có tiếng trống trường và nụ cười thân thương của các em học sinh. Nhiều người cho rằng, thu nhập của một “anh giáo miệt vườn” chẳng đủ nuôi thân thì làm sao lo được cho gia đình. Thế nhưng, tôi đã yêu và sẽ mãi yêu con đường không hề trải hoa hồng ấy”, thầy Lý Thường Kiệt, giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường trung học phổ thông Hòa Tú (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ.
“Duyên trồng người” của “anh giáo làng”
Thầy Kiệt có ước mơ với nghề giáo từ khi mới 7 tuổi, qua hình ảnh người thầy sớm tối miệt mài trên bục giảng. Năm 2006, chàng trai quê nghèo thi đỗ Trường đại học Sư phạm Cần Thơ, tới năm 2010 được phân công về Trường trung học phổ thông Hòa Tú, dạy môn Giáo dục công dân.
Dự một tiết Giáo dục công dân do thầy Kiệt đứng lớp, nhiều người sẽ phải thay đổi suy nghĩ về một môn học khô khan, nặng tính giáo điều. Bởi thầy giáo trẻ không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức qua những phương pháp sinh động, mà thật sự đã thành công trong giáo dục cốt cách, lối sống đẹp cho mỗi bạn trẻ. Thầy thường xuyên tìm tòi, những vụ án, vụ việc về hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức, cách ứng xử chưa đẹp... để sân khấu hóa thành nhiều hoạt cảnh, tiểu phẩm để từ đó giáo dục, định hướng học sinh.
Với sự tham gia trực tiếp của thầy giáo môn Giáo dục công dân trên sân khấu, học sinh đã có cái nhìn trực quan, nhanh chóng về những điều đúng đắn của cuộc sống. Nhờ đó, mỗi năm, trường Hòa Tú đều có học sinh giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân.
Đặc biệt, trong năm học 2018-2019, đội tuyển học sinh giỏi Giáo dục công dân của thầy Lý Thường Kiệt đã giành cùng lúc cả giải nhất, nhì và ba ở kỳ thi cấp tỉnh. Bên cạnh đó, thầy còn tham mưu với lãnh đạo nhà trường thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường, hoạt động hiệu quả dựa trên phương châm “Đồng hành lắng nghe-Kiên trì thấu hiểu”.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều thầy, cô giáo trường Hòa Tú có chung nhận định: Thầy Kiệt không chỉ là nhà giáo trẻ tâm huyết với nghề, mà từ lâu đã trở thành người bạn của học sinh toàn trường. Đơn cử như khi chung quanh trường xuất hiện một số cửa hàng game khiến một số học sinh mải mê chơi game dẫn tới bỏ học, bỏ tiết, đắm chìm vào thế giới ảo.
Trước tình trạng đó, thầy Kiệt đã kết nối gia đình và nhà trường, ân cần khuyên nhủ, đưa học sinh quay lại con đường học vấn, nhất là những em chuẩn bị thi tốt nghiệp. Nhiều học sinh thiếu thốn tình cảm gia đình vì bố mẹ đi làm xa, dần trở thành cá biệt, thường xuyên mâu thuẫn, xô xát với bạn bè. Thầy Kiệt lại tìm tới tận nhà để từng bước tìm hiểu, dìu dắt, khuyên nhủ các em.
Sống trong ngôi nhà nhỏ cách trường tới hơn 30km, nhưng mỗi ngày, “anh giáo làng” đều dành thời gian đi cắt cỏ chăn bò, đồng thời thường xuyên phối hợp với tổ chức Đoàn ở địa phương tìm kiếm nguồn lực xã hội, hỗ trợ học trò hoàn cảnh khó khăn.
Theo đồng chí Lê Trung Hiếu, Bí thư Huyện đoàn Mỹ Xuyên, thầy Lý Thường Kiệt là một Bí thư Đoàn trường nhiệt huyết, năng nổ, đặc biệt trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, học sinh. Thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng một số học sinh tụ tập tại đường lộ để lạng lách, đánh võng. Thầy Kiệt đã kiên trì cùng Huyện đoàn Mỹ Xuyên tuyên truyền, giáo dục để các em ý thức, từ bỏ hành vi sai trái.
“12 năm gắn bó với nghề, tôi luôn trăn trở làm sao để giáo dục thế hệ trẻ thật sự trở thành người có ích cho cộng đồng, có đạo đức trong xã hội. Tôi tự hào vì đã góp phần đào tạo những học sinh mà hiện giờ trở thành chiến sĩ công an, quân đội, cán bộ nhà nước ưu tú, gương mẫu. Các em vẫn giữ liên lạc và nhớ đến tôi, đó chính là nguồn động lực lớn nhất để tôi vững bước trên con đường cao quý đã chọn”, thầy Lý Thường Kiệt chia sẻ.
“Người mẹ thứ hai” ở xã nghèo biên giới
Tháng 3 vừa qua, Cử Y Hương, học sinh lớp 9A, Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) nhận tin vui đỗ thủ khoa môn Ngữ văn từ cô giáo Lê Na. Lớn lên trong một gia đình đặc biệt khó khăn tại bản Tiền Tiêu của xã địa đầu biên giới Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn), Y Hương giờ đây là niềm tự hào của gia đình, làng xóm. “Cô Lê Na đã bồi dưỡng, động viên em đến với môn Ngữ văn từ những năm học lớp 6. Thời gian em chuẩn bị thi, dịch Covid-19 ở quê nhà diễn biến rất phức tạp. Dù dương tính với bệnh, nhưng cô vẫn luôn đồng hành, chỉ bảo em học tập qua điện thoại, internet, thường xuyên nhắc nhở, khuyên nhủ để em thêm tự tin bước vào kỳ thi như một người mẹ thứ hai”, Cử Y Hương nhớ lại.
17 năm trước, cô Lê Na tốt nghiệp khoa Ngữ văn tại Trường đại học Vinh và bắt đầu làm công tác giảng dạy tại huyện Kỳ Sơn, một trong những huyện miền núi biên giới đặc biệt khó khăn của cả nước. Học sinh của cô thường phải đi bộ 5-10km từ nhà đến trường, thậm chí nhiều trường hợp đã buộc phải nghỉ học để mưu sinh phụ giúp gia đình.
Bất đồng ngôn ngữ, quãng đường từ nơi ở đến trường lại xa xôi, hiểm trở, nhận thức về việc cho con em tới lớp của nhiều phụ huynh còn hạn chế... khiến cô Lê Na nhiều lúc tưởng chừng như không thể gắng gượng. Thế nhưng, mỗi lần muốn bỏ cuộc, cô lại nhớ về ước mơ, khao khát được đứng trên bục giảng ngày nào và những thiếu thốn, thiệt thòi của học sinh. Tình thương, trách nhiệm là hành trang lớn nhất, nguồn động lực lớn lao thôi thúc cô vượt đèo, lội suối đến nhà từng trường hợp bỏ học để động viên gia đình cho con em tiếp tục đến lớp.
Thời gian qua, công tác giáo dục tại huyện Kỳ Sơn gặp khó chồng chất do đại dịch Covid-19. Các cơ sở đào tạo trên địa bàn huyện phải đóng cửa, cộng thêm việc thiếu trang thiết bị dạy và học trực tuyến khiến gánh nặng dồn lên vai đội ngũ giáo viên.
Hằng ngày, cô Lê Na và đồng nghiệp phải mang sách vở đến tận nhà kèm cặp, hướng dẫn từng học sinh. Đó là chưa kể tới trận lũ lớn vừa qua đã cướp đi hàng trăm ngôi nhà, đẩy không ít người dân, giáo viên và học sinh vào cảnh bơ vơ. Nhiều trường học lại một lần nữa hư hỏng nặng nề, đồ dùng bị cuốn trôi toàn bộ. Những gì còn lại chỉ là một mầu vàng xám xịt của bùn đất.
Tuy nhiên, càng trong gian khó, người giáo viên có đôi mắt hiền từ ấy lại càng kiên cường. Bởi cô biết rằng, đối với học sinh, thì thầy, cô giáo chính là tấm gương lớn không những trên con đường học vấn mà còn trong cả cuộc sống thường ngày. “Giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức, mà còn có trách nhiệm trang bị kỹ năng, giá trị cuộc sống cho học sinh, giúp các em thêm tự tin, mạnh dạn hơn trên đường đời. Gần 20 năm đứng trên bục giảng, tôi tự hào đã góp phần trao truyền ngọn lửa nhiệt huyết để học sinh miền núi không bị bỏ lại phía sau”, cô Lê Na cho hay.
Tâm huyết người thầy nơi rẻo cao
Gần 12 giờ đồng hồ đã trôi qua, nhưng chiếc xe đưa chúng tôi đến với xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải) vẫn chậm chạp bò trong làn sương mù vây kín những con dốc quanh co, dựng đứng. Đầu tháng 11, trời sập tối rất nhanh. Kim nhiệt kế trên xe chỉ con số 10oC, còn sóng điện thoại đã mất hẳn. Theo người lái xe kể lại, thì “đi được ô-tô vào đã là tốt lắm”. Cách đây vài năm, muốn đến xã Chế Tạo, người dân chỉ có thể sử dụng xe máy.
Cái lạnh chạm tới đâu, chúng tôi càng thấm thía những vất vả của những giáo viên “cắm bản” nơi đây. Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học và trung học cơ sở Chế Tạo nằm trên sườn núi cheo leo, được ví như “nơi cùng trời” của tỉnh Yên Bái. Cả trường có tổng cộng 530 học sinh, đều là con em đồng bào dân tộc H’Mông. Trong đó, có hơn 400 học sinh bán trú.
Sinh ra ở mảnh đất Mù Cang Chải, thầy Sùng A Trứ hiểu rõ khó khăn mà người dân địa phương phải đối mặt, nhất là những học sinh muốn tìm đến con chữ. “Khi chọn nghề giáo, tôi tự hứa sẽ cố hết sức, tạo dựng những điều tốt đẹp nhất để các em thích đi học, thích tới trường. Vì vậy, tôi đã trở về quê hương sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội, nguyện mang kiến thức về vùng cao”, thầy giáo sinh năm 1986 bộc bạch.
Vốn dạy môn thể chất, nhưng thầy Trứ còn xung phong nhận dạy tiếng Việt cho học sinh toàn trường. 12 năm ròng rã, ngày nào thầy giáo trẻ cũng cố gắng hoàn thành công việc thật nhanh, để buổi tối phụ đạo học sinh rèn viết chữ, đọc tiếng phổ thông cho thành thục.
Với những em nhỏ chưa biết đọc tiếng Việt, thầy kiên nhẫn chỉ bảo, nhưng cũng kiên quyết hạn chế sử dụng tiếng H’Mông để các em nhanh nắm mặt chữ. Thương học trò, thầy vẫn hay vượt núi, băng rừng, đến những bản làng xa xôi, heo hút đưa đón các em tới trường với bè bạn.
Cũng như nhiều đồng nghiệp ở ngôi trường nơi rẻo cao Chế Tạo, thầy Sùng A Trứ nhường những căn phòng kiên cố cho học sinh ở bán trú, còn bản thân thì sinh hoạt, làm việc trong dãy lán dựng bằng ván gỗ đã chi chít vết nứt vỡ vì gió sương vùng Tây Bắc. Cũng chính từ nơi đó, thầy Trứ đã trăn trở, đề ra sáng kiến để học sinh lớp lớn kèm cặp các em nhỏ hơn theo từng đôi, cùng nhau học cái chữ, cùng rèn luyện và trưởng thành dưới mái trường đầy ắp tình yêu thương của thầy cô.
Trước tấm lòng của những nhà giáo tận tụy, hết lòng với nghề, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phối hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long triển khai chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. Chương trình hướng đến đối tượng là các thầy, cô giáo có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; đưa ra nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng thực tế, đạt kết quả cao; công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.
Theo LINH PHAN (Nhân Dân)