Những chậu hoa cẩm tú cầu tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã sẵn sàng phục vụ thị trường Tết.
Những ngày cuối năm, tại các nhà vườn trồng hoa lớn nhất cả nước ở các tỉnh phía Nam như: thành phố (TP) Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), huyện Chợ Lách (Bến Tre), huyện Gò Công (Tiền Giang), TP Sa Đéc (Đồng Tháp), làng mai Tết TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh)…, người trồng đang tất bật chuẩn bị những chậu hoa kiểng đẹp nhất để sớm cung ứng cho thị trường.
Công nhân trong các trang trại hoa của Dalat Hasfarm hối hả thu hoạch hoa.
Ông Aad Gordijn, Tổng Giám đốc Dalat Hasfarm tại tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Dự kiến, công ty sẽ cung cấp khoảng 12 triệu cành hoa và 2 triệu chậu hoa với các loại hoa chủ lực như hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa thủy tiên, lily, thu hải đường… cho dịp Tết. Để chuẩn bị cho sản lượng này, mỗi ngày có đến hơn 1.200 nhân viên thời vụ làm việc tại trang trại lớn nhất của chúng tôi ở Lâm Đồng, cùng với hơn 4.000 công nhân viên cố định,làm việc lên đến 12 giờ mỗi ngày và 7 ngày trong tuần. Việc này nhằm đảm bảo chúng tôi có thể đạt năng suất cao nhất phục vụ cho các ngày cao điểm”.
Theo ông Aad Gordijn, bắt đầu từ tuần tới, Dalat Hasfarm sẽ vận chuyển 100 tấn hoa tươi mỗi ngày đến các điểm bán khác nhau, từ các cửa hàng bán lẻ của công ty, các siêu thị trên toàn quốc cho tới tất cả chợ bán sỉ. Giá bán trung bình các loại hoa tươi trong 3 tuần trước Tết cũng tăng khoảng 10 - 15% so với ngày thường.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, nhằm phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhà vườn tại TP Đà Lạt đã xuống giống khoảng 850ha, tương ứng gần 200 triệu cành hoa các loại. So với năm 2022, diện tích hoa Tết của Đà Lạt năm nay tăng khoảng 100 ha, dự kiến sản lượng cũng tăng so với sản lượng cùng kỳ từ 12 - 15%. Các loại hoa chủ lực của năm nay vẫn là hoa cúc với gần 300 ha, hoa hồng và lily hơn 100 ha và một số loại khác như phong lan, địa lan, cẩm chướng, đồng tiền… Hầu hết, diện tích hoa này được trồng tại các làng hoa truyền thống của Đà Lạt như làng hoa Thái Phiên, Hà Đông, Vạn Thành, Xuân Thành...
Tương tự, tại huyện Chợ Lách (Bến Tre), huyện dự kiến sản xuất hơn 12 triệu sản phẩm hoa cây kiểng Tết, tăng hơn 4 triệu sản phẩm so với năm trước. Chị Phạm Thị Thủy, ở ấp Hòa An (xã Long Thới, huyện Chợ Lách) cho biết những ngày này, chị cùng các thành viên trong gia đình đang hối hả chăm sóc hơn 3.000 m2 hoa kiểng, với hơn 10 chủng loại hoa Tết. Dự kiến, gia đình chị sẽ cung cấp cho thị trường từ 2.200 – 2.500 chậu hoa các loại.
Các làng trồng hoa nổi tiếng tại các tỉnh miền Tây đang tất bật vào vụ Tết.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Lách, Bến Tre, hiện người trồng hoa, cây kiểng đã hoàn tất các bước chăm sóc, tạo hình hoa và đã đưa ra chợ bán ra thị trường Tết Quý Mão. Năm nay, dù gặp bất lợi về thời tiết đã khiến một số loại hoa nở sớm nhưng bằng kinh nghiệm của mình, bà con đã khắc phục, xử lý kịp thời nên đảm bảo nguồn hàng.
Thời điểm này, các mặt hàng hoa, cây cảnh có nhiều khởi sắc. Mai vàng có giá từ 700 ngàn đồng – 30 triệu đồng/sản phẩm (tùy kích cỡ); bonsai hình thú từ 4 triệu đồng – 10 triệu đồng/sản phẩm; hoa giấy, vạn thọ, cúc, hoa mào gà… giá khoảng 70 – 120 ngàn đồng/sản phẩm. Trong khi đó, tại TP Sa Đéc (Đồng Tháp), ước tính địa phương này có diện tích trồng hoa hơn 780 ha, trong đó trồng hoa phục vụ Tết 2023 hơn 100 ha, chủ yếu trồng cúc mâm xôi hơn 266.000 giỏ, tăng trên 160.000 giỏ so với Tết năm 2022...
Báo Tin tức xin gửi đến độc giả những hình ảnh các làng hoa phía Nam vào vụ Tết:
Công nhân tại Lâm Đồng đang tất bật thu hoạch hoa cúc nhánh tại trang trại hoa lớn nhất cả nước.
Dalat Hasfram huy động 1.000 nhân công mùa vụ, cùng 4.000 nhân viên chính thức để chuẩn bị nguồn cung hoa cho thị trường Tết.
Trang trại hoa thu hải đường tại Lâm Đồng đã sẵn sàng phục vụ thị trường Tết. Đây là loại hoa được khách hàng chọn mua nhiều nhất vì có màu đỏ, màu tượng trưng cho sự may mắn trong những ngày Tết.
Dịp Tết, lượng hoa hồng cắt cành ở các tỉnh phía Nam cũng có sức hút khá cao.
Những ngày này tại các trang trại hoa, nhà vườn phía Nam, nhiều công nhân chăm sóc hoa tươi phải tăng ca để kịp chuẩn bị nguồn hàng phục vụ mùa Tết.
Các công nhân chăm sóc cẩn thận cho hoa cẩm tú cầu để chuẩn bị thu hoạch.
Tại nhà vườn huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, các vườn hoa cũng đã bắt đầu khoe sắc để chuẩn bị đến tay người dân.
Tại các nhà vườn Chợ Lách, Sa Đéc, các loại hoa cúc vàng, cúc mâm xôi, cúc vạn thọ... được trồng khá nhiều.
Năm nay, sản lượng trồng hoa Tết tại các tỉnh miền Tây đều tăng và hứa hẹn sức mua cũng tăng cao.
Một số nhà vườn miền Tây đang đóng gói các chậu hoa tươi để chở về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Theo Báo Tin Tức