Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

12/10/2021 - 06:14

 - Để hiểu rõ hơn về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24-9-2021 của Chính phủ, phóng viên Báo An Giang có cuộc phỏng vấn Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn về việc triển khai các chính sách hỗ trợ.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội An Giang Đặng Hồng Tuấn

Phóng viên (P.V): ngày 24-9-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP về việc hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 từ quỹ BHTN. Xin ông cho biết ý nghĩa của gói hỗ trợ này khác gì với các gói hỗ trợ tại Nghị quyết 68/NQ-CP?

Ông Đặng Hồng Tuấn: Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP đều hỗ trợ cho cả NLĐ và NSDLĐ. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hỗ trợ và đối tượng áp dụng của 2 nghị quyết này không giống nhau. Nghị quyết 68/NQ-CP từ ngân sách Trung ương kết hợp với nguồn dự phòng ngân sách địa phương và quỹ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư của các tỉnh, thành phố; còn Nghị quyết 116/NQ-CP là từ Quỹ BHTN. Về đối tượng được hỗ trợ, Nghị quyết 68/NQ-CP là NLĐ đã tạm hoãn, nghỉ việc, ngừng việc… trong khi Nghị quyết 116/NQ-CP là NLĐ đang tham gia BHTN hoặc đã dừng tham gia từ ngày 1-1-2020 đến 30-9-2021 còn thời gian bảo lưu (trừ NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; người hưởng lương hưu hàng tháng). Về mức tiền hỗ trợ: Nghị quyết 68/NQ-CP căn cứ theo hình thức tạm hoãn, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động; còn Nghị quyết 116/NQ-CP dựa trên thời gian đã tham gia BHTN.

P.V: Vậy quy định áp dụng Nghị quyết 116/NQ-CP như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Hồng Tuấn: đối với người đang làm việc trước thời điểm 30-9-2021, có thời gian tham gia BHTN đến thời điểm nào thì được tính đến thời điểm đó. Đối với NLĐ đã nghỉ việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2020 đến 30-9-2021, đã hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi, nhưng nếu vẫn còn tháng lẻ hoặc thời gian chưa hưởng được bảo lưu vẫn được hưởng trợ cấp này.

Nếu NLĐ hưởng khoản hỗ trợ này thì quá trình đã đóng BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn được tính để giải quyết chế độ BHTN sau này. Vì chính sách hỗ trợ theo nghị quyết này độc lập với chế độ BHTN theo quy định của Luật Việc làm. Đối với khoảng thời gian từ ngày 1-10-2021 đến 30-9-2022, DN được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ BHTN thì NLĐ vẫn được tính là thời gian tham gia BHTN như bình thường.

P.V: làm thế nào để NLĐ biết được mức hỗ trợ cụ thể theo thời gian đã tham gia BHTN của họ?

Ông Đặng Hồng Tuấn: mức hỗ trợ căn cứ vào thời gian đã tham gia BHTN mà chưa hưởng trợ cấp. Mức cao nhất là 3,3 triệu đồng tương ứng với thời gian tham gia BHTN từ đủ 132 tháng trở lên, mức thấp nhất là 1,8 triệu tương ứng với thời gian tham gia BHTN dưới 12 tháng. Đối với NLĐ đã tham gia từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng, hỗ trợ 2,1 triệu đồng; tham gia từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng, hỗ trợ 2,4 triệu đồng; tham gia từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng, hỗ trợ 2,65 triệu đồng; tham gia từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng, hỗ trợ 2,9 triệu đồng.

NLĐ đã cài VssID có thể tự tra cứu quá trình tham gia BHTN được cơ quan BHXH thông báo trực tiếp qua ứng dụng này. NLĐ có thể tra cứu quá trình tham gia BHTN qua Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam, nhắn tin qua tổng đài 8079… Trường hợp NLĐ chưa cài VssID, cơ quan BHXH thông báo qua đơn vị sử dụng lao động.

P.V: làm thế nào để NLĐ và NSDLĐ nhận được số tiền hỗ trợ?

Ông Đặng Hồng Tuấn: đối với đơn vị, doanh nghiệp sẽ không phát sinh thủ tục hành chính. Cơ quan BHXH căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm quản lý thu BHXH, bảo hiểm y tế, BHTN, giảm mức đóng theo quy định: trước ngày 3-10-2021, gửi thông báo cho đơn vị tổng số dự kiến giảm trong 12 tháng và hàng tháng báo giảm cụ thể số phải đóng. Đối với NLĐ được chia thành 2 nhóm.

Nhóm 1: người đang tham gia BHTN trước ngày 5-10-2021, cơ quan BHXH chuyển danh sách để đơn vị sử dụng lao động đối chiếu, bổ sung số điện thoại, số tài khoản cá nhân của từng NLĐ, trong vòng 5 ngày chuyển lại cơ quan BHXH. Nếu sai sót cần điều chỉnh phải nộp trước ngày 10-11-2021. Trong 10 ngày, cơ quan BHXH chi trả tiền cho NLĐ. Nếu điều chỉnh thông tin thì trong 20 ngày. Trường hợp không chi trả, cơ quan BHXH sẽ thông báo nêu rõ lý do.

Nhóm 2: NLĐ đã dừng tham gia BHTN tại tỉnh; đã nghỉ việc về từ các địa phương khác: NLĐ thuộc đối tượng và có nhu cầu lập đề nghị theo mẫu gửi cơ quan BHXH chậm nhất đến hết ngày 20-12-2021. Trong 10 ngày, cơ quan BHXH chi trả cho NLĐ. Cơ quan BHXH sẽ có thông báo qua UBND xã, phường, thị trấn để thông báo đến NLĐ chủ động liên hệ với cơ quan BHXH.

NLĐ đang tham gia BHTN tại nhóm 1 mà sau ngày 30-11-2021 chưa nhận hỗ trợ thì NLĐ lập đề nghị hưởng hỗ trợ theo mẫu đối với NLĐ đã dừng tham gia BHTN (như nhóm 2). Có 3 hình thức thực hiện: trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam, các tổ chức I-VAN hoặc ứng dụng BHXH số-VssID; thông qua dịch vụ bưu chính; trực tiếp tại Bảo hiểm xã hội tỉnh hoặc huyện. Mọi thông tin biểu mẫu có tại Zalo Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang/DVC hỗ trợ Covid/Hỗ trợ theo NQ116.

Dự kiến, toàn tỉnh có khoảng 72.000 NLĐ sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ này. Trong đó có 67.000 người đang tham gia và 5.000 người đang bảo lưu, với số tiền hỗ trợ khoảng 168 tỷ đồng. Có 1.537 đơn vị được giảm mức đóng BHTN từ 1% xuống 0% với số tiền trên 40 tỷ đồng.  NLĐ nên cài đặt ngay ứng dụng VssID-BHXH số để tiện tra cứu thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi của mình.


HẠNH CHÂU

 

 

 

Liên kết hữu ích